Ký ức đẹp của người

Ký ức đẹp của người "sửa thời gian" đất Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Nghệ nhân Đào Văn Dư sống trong một căn gác nhỏ tại phố Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) với la liệt những chiếc đồng hồ các loại bị hỏng. Nhờ nghề "sửa thời gian" mà ông được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm, được sửa đồng hồ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vinh dự được sửa chữa đồng hồ cho các yếu nhân

Nghệ nhân Đào Văn Dư cho biết: "Tôi có hơn 30 năm sửa đồng hồ trên phố Hàng Phèn. Sau đó, cửa hàng chuyển về Lý Nam Đế và hiện nay, tôi truyền nghề cho con trai là anh Đào Văn Hải quản lý. Những lúc nhớ nghề, tôi vẫn ra cửa hàng và lách cách sửa chữa đồng hồ cho đỡ nhớ. Tất nhiên, những "ca" khó, con trai đều cầu cứu sự giúp đỡ của tôi".

Đã 75 tuổi nhưng ông Dư vẫn còn rất minh mẫn. Ông cho biết, từ năm 14 tuổi, ông đã tự biết mày mò để sửa những chiếc đồng hồ quả lắc. Cái tuổi đáng ra phải đánh đáo, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê thì ông lại mê mẩn với bánh răng, dây cót, kim ngắn, kim dài.

Cha ông từng là thợ sửa đồng hồ tiếng tăm bậc nhất Kinh Kỳ những năm 30 của thế kỷ trước nên cái nghề gia truyền thẩm thấu vào ông một cách tự nhiên cho đến tận bây giờ.

Xã hội - Ký ức đẹp của người 'sửa thời gian' đất Hà thành

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đến thăm ông Dư năm 1976 .

Ông Dư đã từng theo học ngành sư phạm, nhưng sau đó, ông trở về với niềm đam mê đích thực là được làm một nghệ nhân sửa chữa đồng hồ bình dị. Với tính kiên trì, chịu khó, ông Dư không chỉ học hỏi kinh nghiệm của cha mà còn cần mẫn thực hành với những người thợ sửa đồng hồ khác để tìm nguyên lý hoạt động cũng như lý giải những sự cố của mỗi loại đồng hồ khác nhau.

Chính vì sự khoa học trong cách làm nghề ấy nên ngay từ ngày còn trẻ, ông Dư đã sửa chữa, "bắt bệnh" khá thành thạo nhiều loại đồng hồ khác nhau. Có điều kiện, ông Dư đã hai lần đi "tu nghiệp" về kỹ thuật sửa chữa đồng hồ tại Thụy Sỹ. Chính những năm tháng "tu nghiệp" này đã giúp ông rèn kỹ năng "đoán bệnh" của đồng hồ một cách nhanh và đúng nhất.

Với 7 tấm bằng Diploma được nhận từ vương quốc của nơi khai sinh ra chiếc đồng hồ - nước Thụy Sỹ, ông vinh dự trở thành một trong những người có nhiều bằng nghiệp vụ về đồng hồ nhất châu Á. Sự xuất sắc của ông đã khiến bạn bè quốc tế biết đến và nể phục con người và đất nước Việt Nam nhỏ bé mà tài năng. Nhận được nhiều lời mời ở lại làm việc, ông vẫn quyết tâm về nước bởi hình ảnh quê hương, gia đình vẫn luôn đau đáu trong tim.

Năm 1976, Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên là ông Trần Quốc Hoàn đã đến thăm ông tại cửa hàng đồng hồ và căn dặn: "Dù làm việc gì thì sự cần mẫn với nghề cũng là quan trọng nhất…" và câu nói này đã theo ông suốt thời tuổi trẻ.

Một ngày đầu tháng 9/1998, một cậu thanh niên mang đến cửa hàng ở Hàng Phèn chiếc đồng hồ Movado để ông sửa. Trong cuộc trò chuyện với người thanh niên ấy, ông mới biết cậu ấy là Võ Điện Biên - con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiếc đồng hồ ông đang sửa khi ấy là "báu vật thời gian" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự vinh dự này làm ký ức về những ngày ở Thụy Sĩ của ông Dư trở lại. Ông nói: "Tôi nhớ rõ, ngày ở Thụỵ Sỹ, một số người hỏi tôi rằng: "Cậu ở Việt Nam à, có biết ông Giáp không?”. Họ nói thêm rằng, ông ấy - tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chính là Napoleon của Việt Nam đấy".

Anh Võ Điện Biên đến lấy đồng hồ đã sửa xong, bất ngờ là 2 ngày sau, ông Dư nhận được thư tay của Đại tướng, bức thư có đoạn: "Anh Dư, đã nhận được cuốn tạp chí anh gửi tặng. Rất cảm ơn. Chúc anh và gia đình mọi sự tốt đẹp". Đọc xong bức thư nay, ông rất xúc động và đến bây giờ, ông vẫn giữ bức thư này như kỷ vậy quý.

Xã hội - Ký ức đẹp của người 'sửa thời gian' đất Hà thành (Hình 2).

Thư tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Dư

Được mời về làm đồng hồ cho chùa Bái Đính

Gần nửa thế kỷ sửa đồng hồ, ông đã từng được tham gia lắp đặt chiếc đồng hồ trên nóc Bưu điện Bờ Hồ (Hoàn Kiếm). Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Minh Chi, Giám đốc Bưu điện Hà Nội ngày ấy, ông Dư cùng những người thợ Việt Nam lắp đặt và hoàn thiện chiếc đồng hồ để đúng ngày Quốc khánh đất nước năm 1978, đồng hồ trên nóc Bưu điện Hà Nội ngân vang tiếng chuông đầu tiên. Cứ 60 phút, chiếc đồng hồ lại gióng chuông một lần.

Ông Dư cho biết: "Mỗi lần đi qua Hồ Gươm, ngước nhìn lên chiếc đồng hồ kỷ niệm, tôi nhớ về những tháng ngày trai trẻ...".

Việc "níu giữ thời gian" được nghệ nhân Đào Văn Dư làm "sống lại" những phút giây trong cuộc sống. Trong thời gian còn làm ở phố Hàng Phèn, đã có nhiều khách nước ngoài tìm ông để sửa chữa đồng hồ. Ông Dư có thể giao tiếp tốt với khách châu Âu bằng tiếng Pháp. Chính vì thế, nhiều khách rất thú vị và thích đến sửa.

Trong kho đồng hồ, ông đang "tàng trữ" để sửa chữa gồm nhiều loại khác nhau, có loại chỉ mấy chục ngàn nhưng cũng có Rolex giá hàng trăm ngàn USD. Trong số khách hàng Tây của ông, nhiều người đã trở thành người bạn thân thiết như vợ chồng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Hà Nội, hay Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh.

Ông Dư kể, lần ấy, Thứ trưởng Minh gửi xe ở phố bên cạnh, đi bộ sang phố Hàng Phèn để thăm người bạn già với những "cỗ máy thời gian" dang dở.

Mới đây, chủ đầu tư công trình đồ sộ chùa Bái Đính (Ninh Bình) đã liên lạc, đặt vấn đề nhờ ông thiết kế cho một chiếc đồng hồ thật đẹp, để treo trang trọng trong phòng khánh tiết của chùa. Ông cho biết, ông sẽ nhận lời để làm cho chùa chiếc đồng hồ đẹp nhất, như lòng thành tâm của mình hướng về đức Phật.

Bài học truyền nghề

Nhiều năm trong nghề, ông Dư cũng đào tạo được một đội ngũ kế cận khá lớn. Nhiều người tìm đến ông để học nghề sửa đồng hồ. Trong số đó, có người mới hơn 20 tuổi do ông kèm cặp, hướng nghiệp; có người là thợ bậc 5, vốn là học trò trước kia của ông. Điều mà ông luôn dạy học trò của mình là: "Dù thế nào, thì cũng phải trả đồng hồ đúng hạn cho khách để tạo cảm giác đeo đồng hồ do nghệ nhân Đào Văn Dư sửa, khách hàng an tâm về chất lượng".

Lạc Thành