Kịch bản vượt ngục từng làm

Kịch bản vượt ngục từng làm "rung chuyển" Lầu Năm Góc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Đào một đường hầm dài trên 100m, với 10 nút hầm rộng 1,5m, cao 2m và rất nhiều lỗ thông hơi, nhưng ông Nguyễn Hoàng Long ở Hà Đông, Hà Nội cựu tù binh Phú Quốc cùng các đồng chí của mình chỉ đem ra ngoài chưa đến 10m3 đất.

Kịch bản "độn thổ hoàn hảo" của người đàn ông này đã gây chấn động "địa ngục trần gian Phú Quốc". Với hàng chục tù binh tẩu thoát không một dấu vết, chính quân đội Mỹ, Ngụy cũng phải "ngả mũ" thán phục. Thậm chí, họ còn gọi ông và những người đào hầm là "kỹ sư".

Xã hội - Kịch bản vượt ngục từng làm 'rung chuyển' Lầu Năm Góc

Ông Nguyễn Hoàng Long, người được coi là "kỹ sư" đào hầm

Những ngày tháng cầu mong... được chết

Khi chúng tôi hỏi chuyện về những ngày chiến đấu trong nhà tù Phú Quốc, ông Long tỏ ra bất ngờ. Nghẹn ngào hồi lâu, ông mới cất lời kể cho PV nghe về cuộc chiến trong "địa ngục trần gian Phú Quốc". Ông Long nhập ngũ tháng 2/1961 và được chuyển vào sư đoàn 308. Năm 1963, ông được bổ sung vào tiểu đoàn 207, sư đoàn 338 để huấn luyện. Tháng 11/1963 đơn vị của ông được điều động đi Nam và chiến đấu ở chiến trường Quảng Bình. Tháng 4/1965, ông Long lại được điều chuyển đến tiểu đoàn 97 thuộc Công trường II, Quân khu V, hoạt động ở chiến trường Bình Định, Quảng Ngãi và một phần Kon Tum.

Đầu tháng 4/1965, đơn vị ông được lệnh tấn công địch ở Bồng Sơn (Bình Định) nhằm bóp nát trận càn mang tên "quả đấm thép" của Mỹ, Ngụy. Trong trận này, ông Long bị thương nặng và sa vào tay giặc. Khi bị bắt, địch chuyển ông đi rất nhiều trại giam như Pleiku, Sài Gòn, trại Cây Me, Biên Hòa... Tại đây, ông phải đối đầu với sự tra tấn dã man và tột cùng đau đớn.

Tháng 10/1966, chiến sĩ Nguyễn Hoàng Long bị đày ra Trại giam B2 Phú Quốc. Trại B2 lại nằm dưới sự quản lý của tên cai ngục khét tiếng tàn ác đất Phú Quốc là Bảy Nhu. Hắn có gần 40 đòn tra tấn "thần sầu" đã đi vào huyền thoại trong "địa ngục trần gian Phú Quốc". Tại đây, ông đã trực tiếp đối diện với Bảy Nhu và được vị cai ngục có màn "chào hỏi" khá ấn tượng. Bảy Nhu đã sai quân lính trói ông lại và nhốt vào thùng phi. Sau đó, chúng dùng gậy đập.

Ở bên trong, ông nghe tiếng oang oang như xé tai, xé óc cho đến khi chảy máu tai địch mới ngưng tay. Hết màn chào hỏi kỳ dị đó, chúng lại đưa ông ra bàn rồi dùng đinh đóng ghim mười đầu ngón tay xuống bàn. Thậm chí, lũ địch tàn ác dùng lửa đốt từng ngón tay, rồi dùng gậy đục gãy răng... Nhiều lúc, ông Long nguyện cầu cho mình nhanh chết để không phải chịu hành hạ đau đớn về thân xác…

Ông Long cho biết: Nhìn những cảnh anh em tù binh bị tra tấn khiến ông cảm thấy đau lòng. Sự căm thù quân giặc lại tăng lên gấp bội. Chính vì thế, một nhóm gồm 13 người đã đề ra kế hoạch vượt ngục bằng phương pháp đào hầm. Kế hoạch nhanh chóng được thông qua Chi bộ và Đảng ủy của ta trong nhà lao. Tuy nhiên, phía Đảng ủy chưa thực sự tin tưởng và lo ngại. Họ lo lắng nếu không thành công thì có thể anh em tù binh sẽ phải hứng chịu một cuộc tàn sát đẫm máu, đồng thời lộ ra nhiều cơ sở hoạt động bí mật của ta trong nhà lao Phú Quốc.

Ông Long kể: "Không những Đảng ủy mà chúng tôi cũng rất lo lắng. Lỡ sự việc không thành thì có thể giặc sẽ chôn sống toàn bộ anh em trong trại B2". Tuy nhiên, thấy nhóm đào hầm thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm cao, Đảng ủy Nhà lao đồng ý cho anh em tiến hành đào hầm. Dự tính ngày Quốc khánh 2/9/1968 sẽ bắt đầu. Tất cả mọi người xác định, kế hoạch này phải được tiến hành khẩn trương trước mùa mưa năm 1968 - 1969 và trước khi địch cho xây dựng hàng rào thép gai.

Xã hội - Kịch bản vượt ngục từng làm 'rung chuyển' Lầu Năm Góc (Hình 2).

Nếu bị phát hiện tù binh sẽ phải chịu những hình phạt dã man nhất

Cuộc đào tẩu quỷ khốc thần sầu

Ông Long cho biết, để có dụng cụ đào đất, nhóm đào hầm phải dùng cà mèng (tên gọi một dụng cụ đựng cơm cho tù binh) đánh thành những cái xẻng nhỏ. Đất đào được, họ cho vào một cái túi may bằng vải, sau đó luồn qua háng cho người phía sau đem đến chỗ tập kết đất. Đến tối, đất lại được đem rải mỏng lên nền nhà rồi phủ bụi lên khiến địch không thể phát hiện được.

Sau ngày 2/9/1968, địch tăng cường kiểm tra tù binh, có khi một ngày địch điểm danh tới bốn lần. Chúng bắt tù binh tập hợp thành từng hàng dọc và điểm danh theo hàng. Một hôm ông Long và hai người đồng đội đang đào hầm thì bị địch điểm danh. Chúng điểm danh xong 10 hàng đầu tiên thì đến hàng của ông Long. Lúc đó anh em tù gây rối, rồi lợi dụng lúc địch không để ý người ở hàng thứ nhất nhảy lên hàng thứ 10 đứng. Do số lượng tù binh đông, địch không thể nhớ hết mặt từng người nên không phát hiện ra. Vì thế, ông Long và đồng đội vẫn ung dung dưới lòng đất đào hầm.

Sau 4 tháng nỗ lực đào hầm, tổ vượt ngục của ông đã đào được một đường hầm dài 100m chiều cao 40cm, chiều ngang 45 - 50cm. Khi đào được khoảng 16m thì hết chỗ đổ đất, ông Long liền nói với lính Ngụy là hố vệ sinh cũ nhỏ quá, phải đào một hố khác. Đề xuất này được địch chấp nhận. Lợi dụng việc này, ông đã bốc đất trong hầm đem đổ công khai ra ngoài được 5 - 6m3.

Theo dự tính ban đầu, với 100m đường hầm thì lượng đất phải đổ ra ngoài khoảng 30 - 35m3. Tuy nhiên, ông cùng các đồng chí của mình chỉ cần đổ ra ngoài chưa đầy 10m3 đất.

Công việc đào hầm được tiến hành liên tục trong vòng 4 tháng mà lính Mỹ, Ngụy không thể phát hiện được. Đến tháng 1/1969 đường hầm bí mật này đã đào thành công và bàn giao lại cho Đảng ủy Nhà lao chuẩn bị tổ chức một cuộc vượt ngục chưa từng thấy tại Phú Quốc.

Khi đường hầm bí mật đã hoàn thành, ông Nguyễn Hoàng Long báo cáo Đảng ủy Nhà lao, tổ chức một cuộc vượt ngục cho 21 người, trong đó hầu hết là những cán bộ nòng cốt của Đảng. Bổ sung thêm lực lượng chiến đấu tại chỗ đánh lại Mỹ, Ngụy ở chiến trường Phú Quốc.

Kể lại câu chuyện vượt ngục năm 1969, ông Nguyễn Hoàng Long còn nhớ như in từng tình tiết: Theo dự kiến ban đầu, ngày vượt ngục sẽ sau 20/1. Vì chúng tôi xác định càng đào ra phía ngoài hàng rào thép gai xa thì càng đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trước ngày 20/1 ông Long nhận được mật báo về một kế hoạch "tạo hàng rào chết" phía ngoài hàng rào thép gai. Theo thông tin đó, địch sẽ chôn và rải mìn với mật độ dày đặc, nhằm ngăn chặn tù binh vượt ngục. Ngay lập tức, ông Long báo cáo lên Chi bộ Đảng. Chưa đầy nửa tiếng, tổ đào hầm của ông nhận được mật báo của Đảng ủy Nhà lao là phải tiến hành tổ chức vượt ngục ngay trong đêm 20/1.

Rạng sáng ngày 20/1/1969 cửa hầm được mở. Lúc ra ngoài thì thấy trời đã tảng sáng. 21 anh em tù binh được chia làm 6 nhóm, mỗi nhóm ra ngoài cách nhau 5 phút. Do cửa hầm được đào qua hàng rào thép gai nên công việc còn lại của các tù binh chỉ là chạy càng nhanh càng tốt. Đến 5h sáng, 21 người đã ra ngoài an toàn, nhưng vẫn còn nhiều người kẹt lại trong hầm ngầm. Ngày đó, có 6 người trong tổ đào hầm thuộc đội ông Long được tổ chức Đảng phân công ở lại trong tù nhằm gây dựng hạt nhân, tiếp tục thực hiện các cuộc đào hầm vượt ngục khác.

Quách Minh Trí