Hành trình tới Mỹ của người có đôi chân không lành lặn

Hành trình tới Mỹ của người có đôi chân không lành lặn

Chủ nhật, 05/05/2013 | 10:30
0
Không người khuyết tật nào muốn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Họ cũng là những con người với những giá trị và khả năng riêng, mà không phải người lành lặn nào cũng có.

Từ bỏ cơ hội làm việc ở washington để về Việt Nam cống hiến

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đồng Nai, mới được 3 tuổi, Võ Thị Hoàng Yến đã bị cơn sốt bại liệt làm chân mất đi nhiều khả năng vận động. Nhưng điều đó không có nghĩa là chị được má và các chị cưng chiều, chị kể lại: “Là con út lại bị khuyết tật dù má rất thương, má luôn đối xử công bằng giữa tôi với các anh chị em. Vì vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ mình khác anh chị, tôi cũng phải rửa chén, quét nhà giúp mẹ như anh chị”. Tuy nhiên, cuộc sống bình yên ấy chỉ diễn ra ở những ngày thơ ấu. Khi lớn lên chị nhận ra rằng, chính sự đối xử của những người xung quanh làm cho người khuyết tật nhận thấy mình khác biệt. Họ xem người khuyết tật như một thứ vô dụng...

Tuy khuyết tật nhưng chị học rất giỏi, có được bằng đại học như bao người khác. Mặc dù cầm bằng đại học trong tay nhưng không có nghĩa là chị có cơ hội như những người bình thường.  Chị nhớ lại: “Qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi nộp đơn xin làm kế toán trưởng ở một công ty liên doanh. Khi vào buổi phỏng vấn tôi đã ngồi đó từ trước, ông giám đốc vào sau bảo đã xem qua hồ sơ rồi và ông đưa tôi một bản fax tiếng Anh để tôi dịch. Sau khi nghe dịch xong, ông giám đốc nói gọn: “Thứ hai em đi làm”, rồi đi ngay vì có công việc khác. Tuy nhiên, khi tôi đến để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên họ bảo tôi là công ty có sự thay đổi...”.

Xã hội - Hành trình tới Mỹ của người có đôi chân không lành lặn

Trung tâm DRD.

Sự từ chối của công ty kia khiến chị buồn và thất vọng. Chỉ vì khuyết tật mà chị bị khước từ những thứ chị xứng đáng được nhận. Khác với mọi người, Võ Thị Hoàng Yến không suy nghĩ mãi về những điều buồn bã để rồi chán nản và bỏ cuộc. Chị cho biết: “Tôi là người hướng ngoại, năng động và không thích ngồi yên một chỗ. Ngày còn đi học, những lúc rảnh rỗi tôi thường tụ tập bạn bè lại, ôm cây đàn ghi ta vào bệnh viện để hát cho các anh thương binh nghe. Tôi luôn muốn làm được những điều ý nghĩa, mang niềm vui đến những người khác”. Có lẽ, vì vậy mà sau lần hụt hẫng khi đi xin việc, Võ Thị Hoàng Yến tiếp tục vực dậy bản thân và thực hiện niềm đam mê được học tập.

May mắn đến với chị khi chị nhận được học bổng của Quỹ Ford. Tiêu chuẩn về thành tích gắt gao, nhưng chị đã vượt qua một cách xuất sắc và đạt điểm cao nhất trong số 18 người Việt Nam đạt học bổng năm đó. Ra nước ngoài học tập, Võ Thị Hoàng Yến đối mặt với rất nhiều khó khăn, chị tâm sự: “Cách học tập bên đó hoàn toàn khác Việt Nam. Thời gian đầu, những kiến thức nền tảng của chuyên ngành tôi hoàn toàn không biết, trong khi những người bạn cùng học nhiều người chuẩn bị lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ. Vì vậy, muốn được bằng họ mình phải cố gắng gấp đôi, gấp ba bình thường”.

Chị chia sẻ: “Khi bạn thật sự thương một ai đó, bạn sẽ luôn nỗ lực để người đó không buồn lòng. Những lúc khó khăn nhất tôi luôn nghĩ đến mẹ mình. Bà là động lực để tôi luôn cố gắng”. Động lực ấy giúp chị hoàn thành xuất sắc chương trình học tập. Khi ra trường chị được đề nghị học bổng tiến sỹ và được một tổ chức quốc tế mời làm việc. Đó là một cơ hội lớn cho bất kỳ một du học sinh nào. Nếu đồng ý, chị sẽ làm việc tại trụ sở Washington DC, được công tác tại 12 nước Latinh và trở thành một chuyên gia quốc tế. Còn quay về Việt Nam, chị sẽ giúp được nhiều người có hoàn cảnh như mình. Chị đã mất ngủ hết một đêm để quyết định. Và Võ Thị Hoàng Yến đã chọn quay về Việt Nam.

Xã hội - Hành trình tới Mỹ của người có đôi chân không lành lặn (Hình 2).

Nụ cười luôn nở trên môi người phụ nữ giàu nghị lực.  (Ảnh Hợp Phố).

Và chân lý “đời rất đẹp” cho người khuyết tật

Về Việt Nam, Võ Thị Hoàng Yến đối mặt với rất nhiều khó khăn tưởng chừng như phải gục ngã. Hiểu biết về người khuyết tật ở Việt Nam còn hạn chế, nên cách giúp đỡ từ thiện khiến nhiều người khuyết tật mặc cảm mà không thấy được giá trị thật của bản thân. Không có tiền, chỉ có kiến thức và lòng quyết tâm là thứ chị có nhiều nhất. Chị đã thành lập trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD (Đời rất đẹp). Đó là nơi giúp người khuyết tật có cơ hội giao lưu, học tập, phát triển giá trị và kỹ năng, tìm cơ hội việc làm. Tuy nhiên, ban đầu do quen với cách được giúp đỡ lâu nay nhiều người khuyết tật đến để xin tiền chữa bệnh, xin tài trợ.

Trong khi DRD không có ngân sách cho những giúp đỡ kiểu này. Nghe những yêu cầu trợ giúp mà không thể làm gì được hơn khiến Võ Thị Hoàng Yến luôn day dứt. Nhiều khi chị thấy mình thật đơn độc trên hành trình của mình. Thêm vào đó nhiều người bên ngoài không hiểu hoạt động của chị, nên họ quay ra nói xấu. Họ bảo chị đi nước ngoài như đi chợ, chắc là lấy tiền được tài trợ để sử dụng cho việc riêng. Trong khi các tổ chức mời chị đến các hội nghị luôn hỗ trợ cho các cá nhân tiền di chuyển, để chị có thể tham dự các hội nghị. Bỏ lại những thị phi, chị vững lòng với những gì mình đang lựa chọn. Trong vòng hai năm đầu hoạt động, DRD trở thành nơi tiếp sức cho nhiều bạn trẻ tìm được chính mình.

Chị tâm sự: “Hai năm đầu, mấy chị em dốc hết sức lực vào các hoạt động, đến khi báo cáo tổng kết chúng tôi mới giật mình không ngờ hai năm qua mình làm được nhiều việc như vậy”. Đến nay DRD từ bốn nhân viên đã lên đến 12 nhân viên, không chỉ hoạt động tại TP.HCM mà còn hỗ trợ cho khoảng 35 tổ chức của người khuyết tật, các nhóm cha mẹ ở phía Nam. Chị chia sẻ một ước mơ khác của mình: “Phụ nữ thì có nhà văn hóa phụ nữ, thanh niên có nhà văn hóa thanh niên, thiếu nhi cũng có nhà văn hóa, nhưng không có nhà văn hóa nào cho người khuyết tật, tôi mơ ước xây dựng một câu lạc bộ cho người khuyết tật”.

Chị tâm sự: “Vì chưa an cư được nên chúng tôi rất khó khăn. Mỗi lần chủ nhà đòi lên giá tiền nhà lại thấy lòng âu lo, vì kinh phí hoạt động của trung tâm không nhiều. Mỗi lần phải trả nhà và đi tìm chỗ mới là chúng tôi gặp khó khăn vì không dễ tìm được một nơi dễ dàng cho người khuyết tật ngồi xe lăn tiếp cận. Chị vẫn thường đùa với mọi người: “DRD nghèo, nhưng đã thuê thì phải thuê villa chứ không thể thuê một căn nhà nhỏ vì người khuyết tật không thể leo cầu thang như những người khác”. Để thực hiện ước mơ này, Võ Thị Hoàng Yến đang lập kế hoạch vận động mọi người ủng hộ cho chiến dịch với tên gọi là “One change”- một để tạo sự thay đổi “một cũng có thể là một đô la, một ý tưởng, một mối quan hệ, một tháng làm tình nguyện, một miếng đất... Bất cứ là “một” điều gì đó, có thể giúp chúng tôi có được một nơi hoạt động ổn định, để hoàn thành sứ mệnh của mình là giúp cho người khuyết tật thay đổi cuộc đời”. Những ước mơ giản dị này sẽ thành sự thật nếu như mọi người trong xã hội thực sự quan tâm.

Tâm huyết giúp người khuyết tật thay đổi cuộc đời, Võ Thị Hoàng Yến dường như lãng quên đi cả cuộc sống của mình. Chị tâm sự: “Ngày xưa khi má còn sống có những lúc bận công tác nên tôi ít về thăm má, má hay trách yêu rằng, con Út không phải là con của má mà là con của cộng đồng. Tôi không hề thấy cô đơn. Một ngày làm việc mười mấy tiếng, và công việc thì cứ tới tấp đến, còn thời gian đâu để mà buồn” – Chị Yến vui vẻ cho biết.        

Hợp Phố - Thanh Hải

Xúc động nghị lực của cậu bé không tay

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Đoạn trích ngắn từ một bộ phim tài liệu của đài MBC (Hàn Quốc) về cuộc sống một cậu bé mất cả 2 tay và mỗi bàn chân chỉ có 4 ngón khiến cư dân mạng vô cùng xúc động.

Nghị lực phi thường của “nữ hoàng đua xe”... không tóc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Joanna Rowsell (sinh ngày 05/12/1988) ở Sutton (thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh) được mệnh danh là "nữ hoàng" đua xe đạp của xứ sở sương mù. Điều làm nên ấn tượng ở Rowsell không chỉ là những thành tích trong mơ mà chính từ khuôn mặt "dị thường" với cái đầu trọc lóc của cô.

Nghị lực “kim cương” và ước mơ của MC mù trên VOV

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Trải qua bao nhiêu sóng gió nhưng bằng nghị lực của mình Đạt đã vượt lên tất cả. Mơ ước lớn nhất của Đạt lúc này là được vào đại học

Nghị lực phi thường của người thương binh anh hùng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Hai tấm bằng khen Huy chương chiến thắng chống Pháp hạng Nhì và Huy chương chống Mỹ hạng Nhất được treo trang trọng trong phòng khách của gia đình ông.