Gỏi rau muống 'đa quốc gia': Món ăn quen mà lạ

Gỏi rau muống 'đa quốc gia': Món ăn quen mà lạ

Thứ 5, 23/02/2017 | 09:37
0
Biên Hòa có bưởi Tân Triều/ Có gỏi rau muống được nhiều người mê.

Câu “ca dao” tự biên nghe chủ quan nhưng phần nào đã phản ánh đúng thực trạng ẩm thực đặc sản của một vùng đất hiền hòa, nổi danh với truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Nói vậy bởi tại Biên Hòa hiện nay, thực khách có thể thưởng thức đủ các món ăn của cả ba miền. Nào là bún đậu mắm tôm, bún chả Hà Nội, bánh bột lọc, bánh bèo tôm chấy xứ Huế; bún mắm, hủ tiếu Sa Đéc, v.v... Trong khi sản vật trứ danh của địa phương này chỉ là bưởi.

Hầu hết khách du lịch đến Đồng Nai thường ghé thăm Làng bưởi Tân Triều, ngôi làng cổ (cách TP. Biên Hòa chừng 3km) nằm ven sông được bao bọc bởi kênh rạch tạo thành cù lao biệt lập với những vườn bưởi xum xuê. Suốt nhiều năm qua, không ít khách tham quan đã tỏ ra phấn khích khi mục sở thị từng chùm bưởi chín mọng và được nếm trải rất nhiều các món ăn do bàn tay khéo léo của những nông dân sở tại chế biến từ trái bưởi.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến một món ăn dân dã đã “nổi lên” ở Biên Hòa hơn chục năm nay, từng được báo chí đưa tin, được nhiều người trầm trồ giới thiệu trên facebook, đó là món gỏi rau muống “đa quốc gia” của bà Phụng.

Tin cũ - Gỏi rau muống 'đa quốc gia': Món ăn quen mà lạ

Ảnh 1: - Quán gỏi rau muống của bà Dương Thị Phụng.

Quán gỏi bình dân này tọa lạc tại “ngã tư đồn công an” (địa danh thường dùng) nằm sâu trong con hẻm đối diện khách sạn 57 – thuộc KP.3, phường Thống Nhất, do bà Dương Thị Phụng làm chủ. Hàng ngày quán chỉ mở cửa bán từ trưa đến cuối giờ chiều là hết.

Trong thực đơn thuần túy của người Việt, món gỏi rau muống đã có từ xa xưa. Ở các tỉnh miền Trung, khi làm gỏi rau muống người ta thường dùng dao chẻ dọc cọng rau ra thành từng sợi nhỏ để chế biến, thành thử nguyên liệu gọi là rau muống chẻ. Còn tại miền Nam đa phần sử dụng dao bào nên gọi bằng rau muống bào. Riêng bà Phụng thì không chẻ, cũng chẳng bào mà bà giã dập cọng rau muống cho thấm đều gia vị.

Tin cũ - Gỏi rau muống 'đa quốc gia': Món ăn quen mà lạ (Hình 2).

Ảnh 2: - Rau muống sau khi bứt hết lá, rửa sạch và ngâm trong thau nước để giữ độ tươi giòn.

Cách bán gỏi của người đàn bà tuổi “thất thập cổ lai hy” xem ra cũng khá lạ lẫm; khách gọi đến đâu bà làm đến đấy, trộn một “mẻ” gỏi thành phẩm tối đa chỉ được hai đĩa, giá bán mỗi đĩa 20 ngàn đồng. Nhờ chế biến theo kiểu “nhỏ lẻ” như thế nên khách hàng có thể nhờ bà điều chỉnh gia vị chua, cay cỡ nào tùy thích.

Qua quan sát, nhận thấy đây là một món ăn đơn giản khá dễ làm. Bởi chung quy cũng chỉ có rau muống, đu đủ xanh nạo sợi, da heo, rau răm và đậu phộng rang. Thế nhưng ăn rất ngon. Có lẽ điều khác biệt trong cách chế biến gỏi của bà Phụng chính là những cọng rau muống được giã dập.

Tin cũ - Gỏi rau muống 'đa quốc gia': Món ăn quen mà lạ (Hình 3).

Ảnh 3: - Đu đủ nạo sợi và rau răm.

Tin cũ - Gỏi rau muống 'đa quốc gia': Món ăn quen mà lạ (Hình 4).

Ảnh 4: - Rau muống bứt khúc cho vào nồi giã dập với ớt, tỏi.

Khi chúng tôi đưa ra câu hỏi tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của món ăn ngon tuy quen mà lạ, bà Phụng cho biết: Gia đình bà nguyên là Việt kiều Campuchia. Trong thời gian còn ở nước bạn, có lần bà cùng cô em gái đi du lịch Thái Lan và tình cờ được dùng món gỏi đậu đũa của xứ Chùa Vàng.

Tin cũ - Gỏi rau muống 'đa quốc gia': Món ăn quen mà lạ (Hình 5).

Ảnh 5: - Bà Phụng đang nêm thêm đường, bột ngọt, nước mắm...

Tin cũ - Gỏi rau muống 'đa quốc gia': Món ăn quen mà lạ (Hình 6).

Ảnh 6: - Trộn đều để ngấm gia vị, gắp ra đĩa rồi rắc thêm đậu phộng rang lên trên, thế là có món gỏi ngon lành.

Lúc trở về, chị em bà đã bắt chước làm thử, gia đình ăn thấy ngon bèn mở quán bán gỏi đậu đũa, tiếng Campuchia gọi là póc-pù-cho. Hiện em gái bà vẫn đang còn kinh doanh món ăn này trên đất khách.

Bà Phụng kể tiếp: Sau khi theo chồng hồi hương về Việt Nam thì bà... khởi nghiệp bằng nghề bán gỏi đậu đũa nhưng thất bại, vì khẩu vị của thực khách nơi quê nhà không hợp với hương vị... đậu đũa giã dập trộn nước ba khía.

“Khéo tay hay làm”, bà Phụng đổi nguyên liệu chính từ đậu đũa sang cọng kèo nèo, song cũng chẳng bán được. Cuối cùng, bà sử dụng rau muống và không dùng nước ba khía để trộn gỏi nữa thì bán đắt hàng mãi đến nay.

“Mối ruột” của quán gỏi bà Phụng đa phần là các bạn trẻ ở khắp mọi nơi nghe tiếng đồn kéo đến... nạp năng lượng ngoài giờ và giới mày râu lai rai ba xị đế (chỉ bán mang về, không cho nhậu tại chỗ).

Tin cũ - Gỏi rau muống 'đa quốc gia': Món ăn quen mà lạ (Hình 7).

Món gỏi rau muống của bà Phụng được các bạn trẻ chia sẻ trên facebook.

Gỏi rau muống “đa quốc gia” ăn ngon, tuy quen mà lạ. Các bạn hãy thử làm đi...

Lệ Hoa/NĐT

Tag: Facebook