Giảm tải bệnh viện tuyến TW”: Nói dễ, làm... khó

Giảm tải bệnh viện tuyến TW”: Nói dễ, làm... khó

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Tình trạng quá tải trầm trọng vẫn diễn ra liên tục tại nhiều bệnh viên tuyến trung ương... Đây là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ cao về sai sót chuyên môn, nhiễm khuẩn bệnh viện, tai biến và tử vong. Giảm tải bệnh viện đang làm khó các cơ quan chức năng.

Xã hội - Giảm tải bệnh viện tuyến TW”: Nói dễ, làm... khó

Bệnh viện tuyến Trung ương luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng

Xếp hàng khổ hơn thời... bao cấp

Trong những ngày qua, khu đón tiếp bệnh nhân của bệnh viện Bạch Mai, K, Xanh- Pôn, Nhi Trung ương… chật như nêm. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân xếp hàng 1 dài đứng chờ đến lượt mình được khám. Thi thoảng có ca bệnh nặng, người nhà bệnh nhân năn nỉ được… chen ngang. Xếp hàng lấy sổ khám bệnh, đóng tiền đã khổ, chờ đến lượt khám bệnh, xét nghiệm hay siêu âm còn khủng khiếp hơn nhiều.

8h30’ ngày 12/6, khu xét nghiệm, siêu âm của bệnh viện Bạch Mai đã không còn ghế trống để bệnh nhân ngồi chờ lượt khám. Cảnh ngồi đợi đến lượt siêu âm, xét nghiệm thật hỗn loạn và đau lòng. Mặc dù có số khám rõ ràng nhưng nhiều người nhà bệnh nhân vì sốt ruột, chen lấn lên trước xếp hàng. Ai mạnh thì có thể chen được, còn ai yếu có thể bị người phía sau giẫm lên. Bác Ngô Tuấn Hải (56 tuổi, Nam Định) bị ung thư dạ dày lên điều trị đợt 2 cho biết: “Dù chúng tôi đến bệnh viện từ trước 4h sáng nhưng lúc này khu xếp hàng lấy số khám chữa bệnh trước cổng bệnh viện cũng đã đông nghẹt bệnh nhân. Bệnh nhân chen chúc, xô đẩy, xếp hàng khổ hơn cả thời… bao cấp”.

10h30’, PV báo ĐS&PL có mặt tại bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, số lượng bệnh nhi tăng đột biến, không khí tại bệnh viện ngột ngạt đến mức nghẹt thở... khiến các bác sỹ cũng phải làm việc trong tình trạng quá tải trầm trọng. Trước đây 2 tuần, mỗi ngày viện tiếp nhận trên dưới 2.000 trẻ đến khám, điều trị thì hiện nay mỗi ngày Khoa khám bệnh tiếp nhận gần 2.400 cháu. Trong đó 10% bệnh nhi nặng được chỉ định nhập viện, một số khác điều trị ngoại trú, số còn lại được bác sỹ kê đơn về nhà. BS. Cấn Phú Nhuận- trưởng Khoa khám bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Tất cả các khoa của bệnh viện đều trong tình trạng quá tải gấp 2-3 lần. Do đó, chỉ những trường hợp nặng mới được chỉ định nhập viện”. Theo nhận định của bác sỹ Nhuận, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến như thế này (nắng nóng, oi bức…) thì trong những ngày tới, số bệnh nhi sẽ còn tăng.

Theo ghi nhận của PV, tại bệnh viện Bạch Mai và K, người bệnh đến khám và điều trị bệnh mỗi ngày lên tới 2.500 - 3.000 người rơi vào tình cảnh quá tải trầm trọng. PGS.TS. Đỗ Trung Quân- trưởng Khoa khám bệnh theo yêu cầu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, do nhu cầu khám bệnh của người dân vẫn rất lớn nên bước đầu, Khoa khám bệnh theo yêu cầu đã triển khai khám thêm vào chủ nhật. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn không giảm được là bao.

Xã hội - Giảm tải bệnh viện tuyến TW”: Nói dễ, làm... khó (Hình 2).

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

Bệnh nhân “sợ” bệnh viện tuyến dưới

Chỉ riêng câu chuyện xếp hàng đợi đến lượt khám bệnh đã thấy mức độ quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương khủng khiếp đến mức nào. Theo đánh giá của bộ Y tế, tâm lý người bệnh luôn coi trọng uy tín, chuyên môn, kỹ thuật của tuyến trên. Tỷ lệ vượt tuyến dao động từ 50-80% ở các bệnh viện tuyến trên là do người bệnh thường tin tưởng vào uy tín của bệnh viện tuyến trên.

Ông Nghiêm Trần Dũng- phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho rằng: “Chúng tôi thấy cực kỳ khó trong việc ngăn chặn quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh của người bệnh với cơ chế tài chính hiện nay. Vì bệnh nhân không tin tưởng tuyến dưới, bệnh nhân vẫn đi và có quyền lựa chọn”.

Trước thực trạng bệnh nhân không tin tưởng bệnh viện tuyến dưới, bộ Y tế yêu cầu “siết chuyển tuyến”. PGS.TS Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết “Thực tế chuyện bệnh viện tuyến trên làm quá nhiều việc mà bệnh viện tuyến dưới làm được, gây ra tình trạng quá tải, nằm giường ghép, đó là chưa kể không có thời gian dành cho nghiên cứu. Vì vậy, bộ trưởng Bộ Y tế đã giao vụ Tổ chức cán bộ xây dựng chế tài với lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa phòng tiếp nhận bệnh nhân không sàng lọc; bệnh nhẹ, tuyến dưới cũng chữa được mà cứ cho nhập viện sẽ bị phạt”, ông Khuê nhấn mạnh.

Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám chữa bệnh đều quy định người dân có quyền tiếp cận cơ sở y tế mà họ muốn. Nếu bộ Y tế quy định bệnh này ở tuyến dưới, bệnh kia ở tuyến trên là đang hạn chế quyền của người bệnh. Ông Khuê quả quyết: “Không phải là mình siết, mà là tỉ lệ hợp lý. Chúng tôi không quy định rõ bệnh này chỉ được vào bệnh viện tỉnh hay bệnh viện huyện, nhưng bệnh viện tuyến trên cũng không được “vơ bèo vạt tép”, bệnh gì cũng chữa. Tỉ lệ hợp lý sẽ còn được nghiên cứu thêm, nhưng có thể là bệnh viện hạng 1 không làm quá 20-30% kỹ thuật của bệnh viện hạng 2. Có như vậy mới hạn chế việc bệnh nhân “chê” tuyến dưới”.

Loay hoay “kế sách” giảm tải

Dự thảo đề án giảm tải bệnh viện của Bộ Y tế cho thấy, từ nay đến năm 2015, Bộ Y tế tập trung giảm tải cho một số bệnh viện tuyến Trung ương (đặc biệt là 2 bệnh viện “nóng” hiện nay là bệnh viện K và bệnh viện Bạch Mai). Trong đó, đến năm 2015, sẽ tăng tỷ lệ 25 - 27 giường bệnh /vạn dân thay vì 20 giường /vạn dân như hiện nay. Bệnh viện K sẽ có thêm cơ sở 3 với 1.000 giường bệnh. Bệnh viện Bạch Mai cũng tăng lên 3.500 giường bệnh…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến trên đang thực hiện Nghị định 43 về tự chủ tài chính. Do đó, bệnh viện phải dùng mọi cách để tăng nguồn thu. Xảy ra tình trạng nằm ghép giường là do nhiều bệnh viện phải duy trì công suất giường bệnh ở mức cao nhất để có thể đảm bảo nguồn thu. Bệnh nhẹ, bệnh nặng, các bệnh viện đều nhận cả. Liệu mở rộng quy mô có giảm quá tải hay lại quá tải thêm?

Ông Nguyễn Hoàng Long, vụ phó Vụ vế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cần cảnh giác với bệnh viện lớn. Bệnh viện Bạch Mai được dự kiến 3.500 giường bệnh là quá nhiều. Ngay cả thế giới cũng chưa có bệnh viện nào có số giường cao như thế.

Có một thực tế, khi nói về giảm tải bệnh viện, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung lại các bệnh viện đều mong muốn và hướng đến mục đích giải quyết hết bệnh nhân, chứ không để họ đi bệnh viện khác. Ví dụ như: tăng giờ khám, thay vì bắt đầu từ 7h30’ thì bác sỹ bắt đầu từ lúc 6h, khám thông tầm đến 7h tối; giản lược bộ phận hành chính và các khu không cần thiết để kê thêm giường bệnh; khám bệnh có BHYT vào ngày thứ 7; mở khoa khám - chữa bệnh theo yêu cầu.

Khi kiến nghị lên bộ Y tế, các bệnh viện cũng đều đưa ra phương án nếu không mở rộng thì cũng là chồng tầng cơ sở vật chất để có thể tiếp nhận thêm người bệnh. Còn những việc có thể giảm số lượng bệnh nhân ngay từ đầu vào thì chỉ được nói rất qua loa và mơ hồ: Đó là việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đẩy mạnh công tác phòng bệnh từ địa phương. Trên thực tế, đó mới thực sự là biện pháp chống quá tải từ gốc nhưng lại chỉ được nói cho có.

Thạc sỹ Nguyễn Minh Thảo, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định: “Trước kia, ngành y tế điều phối được, nếu bệnh nhân nhẹ mà lên tuyến trên thì bác sỹ tuyến trên sẽ kê cho đơn rồi cho họ về điều trị tại địa phương. Nay sao lại không thể làm như thế được?”. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xóa bỏ trạm y tế xã, nâng cấp bệnh viện huyện và xây dựng mô hình bác sỹ gia đình sẽ giúp bệnh viện tuyến trên thoát khỏi tình trạng quá tải.

Trả lời PV báo ĐS&PL, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc nâng cao chất lượng nhân lực và cơ sở vật chất tuyến dưới, giúp người dân tin tưởng hơn vào dịch vụ y tế cũng biện pháp làm giảm tình trạng quá tải bệnh viện, các bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường. “Chúng tôi sẽ kiên quyết thực hiện quy định phân tuyến rõ ràng", bà Tiến nói. Lãnh đạo bộ Y tế khẳng định: "Cần mở rộng đào tạo nhân lực y tế cho các lĩnh vực kém thu hút như tâm thần, lao, phong, truyền nhiễm, y tế dự phòng; mở rộng quy mô đào tạo; có chế độ ưu đãi để giải quyết sự mất cân đối về phân bổ nguồn lực y tế giữa các vùng miền, chuyên khoa". “Giải quyết thực trạng này cần có lộ trình, khắc phục từng bước, phải ngoài năm 2015 mới có hiệu quả rõ rệt nhưng từ nay tới 2015 cố gắng giải quyết các điểm nóng”.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, bệnh không phải là bệnh của tỉnh, của huyện, của xã mà bắt buộc phải chữa ở tỉnh, ở huyện, ở xã. Vấn đề là trình độ kỹ thuật của hạng bệnh viện. Bệnh viện hạng 1 làm gì, hạng đặc biệt làm gì căn cứ vào trình độ và cơ sở vật chất, các chuyên gia đã xây dựng phân tuyến kỹ thuật. Tất nhiên, bệnh viện tỉnh vẫn có thể được phân tuyến tương đương bệnh viện hạng 1 vốn là hạng của bệnh viện Trung ương, bệnh viện huyện cũng có thể được phân tuyến tương đương hạng 2 để nâng cấp khả năng khám chữa bệnh của cơ sở y tế.

NPV