Giải tỏa “cơn khát” diễn viên cổ trang

Giải tỏa “cơn khát” diễn viên cổ trang

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
– 11/7 sắp tới, lớp đào tạo diễn viên chuyên biệt cho dòng phim cổ trang (HFAC) đầu tiên sẽ được khai giảng. Đây là một bước đi hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên tham gia vào mảng phim mang đầy nét đặc thù này.

Học viên sẽ học tập trong các lớp thiết kế đặc biệt, tái hiện một cách chân thực không gian văn hóa cổ ở Hà Nội, Huế… với những cảm xúc thật, giảm đi tính kịch và sân khấu trong diễn xuất.

Việt Nam đang thiếu diễn viên cho dòng phim cổ trang

Điện ảnh Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, những bộ phim cổ trang lại đang thể hiện bộ mặt nghèo nàn, chưa được công chúng đón nhận do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà một yếu tố quan trọng nhất chính là diễn xuất của diễn viên không đáp ứng yêu cầu của dòng phim này.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng có mặt trong buổi giới thiệu dự án

Gần đây nhất phim cổ trang Anh chàng vượt thời gian đã bị nhiều sự chỉ trích của công chúng. Điều dễ nhận thấy nhất là bối cảnh bộ phim quá đơn điệu. Diễn xuất của các diễn viên vô hồn, đôi lúc khẩu hình không ăn khớp với thoại. Thủy Hương vào vai hoàng hậu cứng đơ, vua do Huỳnh Anh Tuấn hóa thân suốt tám tập phim chẳng làm gì ngoài việc... ôm ấp các cung nữ. Và không hiểu vì mục đích gì khi Hải Anh bước vào thế giới cổ xưa lại hóa trang thành nữ nhi, trang điểm lòe loẹt chẳng giống ai.

Còn bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, phim có 45 nhân vật chính, phần lớn những nhân vật chính do diễn viên Việt Nam đảm nhận. Diễn viên Tiến Lộc đảm nhận vai Lý Công Uẩn. Lần đầu tiên Tiến Lộc đóng phim lịch sử. Còng Á hậu Thụy Vân chưa hề đóng phim bao giờ vào vai Lê Thị Thanh Liên - hồng nhan tri kỷ của Lý Công Uẩn… Sự hiểu biết về lịch sử VN đặc biệt là triều Lý của những diễn viên chính này rất mỏng. Do đó mọi diễn xuất của họ đều do đạo diễn Trung Quốc "bảo chi làm nấy". Liệu họ có lấy được chất cổ trang cho vai diễn?

Lớp đào tạo là thực sự cần thiết

“Sự ra đời của các lớp đào tạo diễn viên chuyên biệt cho dòng phim cổ trang là một bước đi cần thiết hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên tham gia vào mảng phim mang đầy nét đặc thù này”, ông Trần Ngọc Linh, giám đốc dự án chia sẻ. “Các lớp đào tạo như HFAC sẽ dần giải tỏa ‘cơn khát’ diễn viên cổ trang chuyên nghiệp cho các nhà làm phim Việt”.

Để đáp ứng yêu cầu riêng của dòng phim cổ trang, lớp học đào tạo diễn viên chuyên biệt cho dòng phim cổ trang được các nghệ nhân gạo cội hướng dẫn những kỹ năng mềm: đánh đàn, chơi cờ, vẽ tranh thủy mặc, thư pháp… cùng những kiến thức hết sức căn bản về lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc – điều rất thiếu ở các diễn viên đóng phim cổ trang Việt hiện nay.

Hai giảng viên chính của chương trình đều là các diễn viên kỳ cựu của nền điện ảnh Việt: NSND Hoàng Dũng và NSƯT Minh Hòa. Bên cạnh đó, diễn viên trẻ Diệu Hương cũng đồng hành cùng dự án đào tạo diễn viên cổ trang trong vai trò một người trợ giảng.

Hy vọng điện ảnh nước nhà, đặc biệt là dòng phim cổ trang sẽ có thêm những bộ phim hay thu hút khán giả.

Công Tú