Có ý kiến lo ngại, trong công tác cán bộ còn có tình trạng nể nang, “chạy chỗ ngồi” (Ảnh minh họa).

Hương Lan (thực hiện)

Sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập huyện, xã là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Xung quanh câu hỏi làm thế nào để cán bộ dôi dư “không ngồi chơi mà nhận lương”, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ.



Sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập: Không đơn giản “cỗ xe đông thì đuổi bớt người”

PV: Ông đánh giá như thế nào về chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính ở một số địa phương hiện nay?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp phường, xã đến nay nhiều địa phương đã chủ động hoàn thiện những phần việc của địa phương mình. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện xã nhằm nâng cao chất đội ngũ cán bộ, công chức, hiệu quả quản lý Nhà nước là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, khi sáp nhập khó nhất là công tác tổ chức cán bộ nhưng khó vẫn phải làm.

Khi sáp nhập, số lượng lớn cán bộ sẽ dôi dư, qua đó sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong tương lai. Thế nên, sắp xếp cán bộ dôi dư cần có nhiều phương án, những người có năng lực cần sắp xếp vị trí việc làm tương xứng. Sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập huyện, xã không đơn giản chỉ là “cỗ xe đông thì đuổi bớt người” mà xác định đúng vị trí việc làm cho cán bộ, góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.


Sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập: Không đơn giản “cỗ xe đông thì đuổi bớt người”

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh- Nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ.


PV: Như ông vừa nói, sáp nhập các đơn vị hành chính giúp tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương nhưng làm thế nào để không có tình trạng trường hợp “ngồi chơi xơi nước” vẫn nhận lương, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh:Trên thực tế, khó có thể sắp xếp tất cả việc làm cho những cán bộ dôi dư, do vậy theo quan điểm của tôi, cần có những chính sách hỗ trợ “hợp tình, hợp lý” cho những người thuộc diện này. Nếu dôi dư mà cứ chờ để sắp xếp thì sẽ phát sinh tình trạng “đội” biên chế và nếu cứ “ép” cán bộ vào một vị trí việc làm không phù hợp sẽ không phát huy được năng lực, công tác cán bộ sẽ thất bại.

Tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai và đây là lĩnh vực vừa phức tạp vừa nhạy cảm vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ, chính sách... Việc giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư phải đảm bảo đúng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức. Cần tính toán giải pháp đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức. Giải quyết dứt điểm để họ tìm vị trí công tác khác.


Sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập: Không đơn giản “cỗ xe đông thì đuổi bớt người”

PV: Theo đánh giá của bộ Nội vụ, một bộ phận cán bộ, công chức ở nơi phải sắp xếp chưa ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởng trì hoãn. Theo ông, vì sao có tình trạng này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Sở dĩ có tình trạng như vậy là do cán bộ công chức lo lắng sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác sau khi sắp xếp. Bên cạnh đó, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do vẫn còn tâm lý không muốn giảm số lượng đơn vị hành chính ở địa phương mình. Một số cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp có tâm lý muốn ổn định, tiếp tục làm việc tại đơn vị hành chính cũ nên tìm các lý do để không tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính ở nơi mình đang công tác.


Sắp xếp cán bộ phải công tâm, khách quan (ảnh minh họa).


PV: Có ý kiến lo ngại, trong công tác cán bộ còn có tình trạng nể nang, “chạy chỗ ngồi” dẫn đến việc cán bộ có trình độ không được bố trí việc làm dẫn đến tình trạng “chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu”. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Thực tế việc xác định vị trí việc làm, xây dựng khung năng lực vị trí việc làm chủ yếu căn cứ vào việc mô tả công việc theo biên chế hiện có để xác định người làm việc dẫn tới việc xây dựng để giữ biên chế hoặc tăng thêm biên chế là khó tránh khỏi. Khi sáp nhập đơn vị hành chính, lo ngại trên cũng có cơ sở bởi điều cốt lõi nằm ở con người. Việc đánh giá cán bộ nếu không công tâm, khách quan sẽ dẫn tới việc bố trí việc làm không phù hợp, lựa chọn theo quan hệ, “vây cánh”.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, việc thành công hay thất bại đều do cán bộ. Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, vừa có năng lực để sắp xếp vị trí việc làm.

Sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập: Không đơn giản “cỗ xe đông thì đuổi bớt người”

Mới đây, bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban công tác triển khai dự án 513 (hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính) và thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Thứ trưởng bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết đã tiến hành sắp xếp đối với 18 huyện, 1.027 xã, giảm được 6 huyện và 546 xã. Dự kiến tại các huyện mới hình thành sẽ bố trí đúng quy định 1.062 cán bộ, công chức, số dôi dư là 428 người. Tại các xã mới hình thành sẽ bố trí 10.043 cán bộ, công chức và 8.816 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; số cán bộ, công chức dôi dư là 9.534 người và số người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 6.913 người. Việc sắp xếp này dự kiến giảm chi cho ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới khoảng 1.431 tỷ đồng.


PV: Vậy làm thế nào để giám sát việc sắp xếp cán bộ dôi dư không “ngồi nhầm chỗ”, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Theo tôi, điều cốt lõi chính là sự công khai dân chủ trong công tác cán bộ. Dựa vào năng lực của cán bộ để sắp xếp vị trí việc làm, số còn lại phải có chính sách khác. Công chức dôi dư sau sắp xếp thực hiện theo các quy định về tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ chờ giải quyết chế độ hưu, xem xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên nếu đủ điều kiện, hoặc bố trí sang các xã khác khi còn chỉ tiêu… Nếu việc này được sớm rút ngắn thì gánh nặng ngân sách phải chi trả cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư càng giảm.

Để sắp xếp “đúng người, đúng việc” phải có sự giám sát của cấp trên, của nhân dân. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm, đồng thời cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Ví dụ, nếu Bí thư tỉnh ủy bố trí con mình vào vị trí này, vị trí khác nhưng không công tâm, không phù hợp thì cũng phải xử lý nghiêm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập: Không đơn giản “cỗ xe đông thì đuổi bớt người”

“Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ của cán bộ công chức, viên chức đối với với nhân dân. Mặt khác, giảm được việc chi thường xuyên ngân sách cho một bộ máy Nhà nước hoạt động chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng vì liên quan đến con người nên cần thực hiện một cách thận trọng, khách quan, làm sao không phải là cuộc sáp nhập, hợp nhất theo kiểu cơ học mà là sáp nhập vì mục đích tinh giản, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm con người kém hiệu quả, nâng cao trách nhiệm tinh thần phục vụ của cán bộ công chức mỗi ngày một đi lên.

Sáp nhập các đơn vị hành chính, cần tính toán thật kỹ việc sắp xếp, bố trí cán bộ, đặc biệt là cán bộ dôi dư để không xáo trộn đến hiệu quả công việc. Theo đó, mỗi địa phương, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh phải từng bước nghiên cứu, lựa chọn, bố trí con người đúng phẩm chất, năng lực và được tín nhiệm cao, trong đó có ý kiến tham gia của tập thể lãnh đạo, trên tinh thần khách quan, vô tư, công tâm; tuyệt đối không vì lợi ích nhóm, không phải vì “hậu duệ, tiền tệ”.

Đối với bộ phận cán bộ dôi dư kém năng lực, kém phẩm chất, không bố trí vào những công việc thích hợp thì cũng cần có chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương để họ yên tâm rời khỏi bộ máy, làm công việc bên ngoài. Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát quyền lực người đứng đầu, người có trách nhiệm sau khi sáp nhập là vô cùng quan trọng. Theo đó, cấp trên, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đặc biệt là cơ quan dân cử phải tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực, có ý kiến đóng góp để người đứng đầu thấy rằng họ chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”.

Sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập: Không đơn giản “cỗ xe đông thì đuổi bớt người”

Để giải quyết chế độ cho nhóm đối tượng này, tại Điều 14 Thông tư 13, bộ Nội vụ đã đưa ra một số biện pháp như sau:

Tinh giản biên chế theo quy định tại nghị định số 108 năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2018; Giải quyết chế độ thôi việc theo luật Cán bộ, công chức; Giải quyết cho nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo nghị định 26/2015/NĐ-CP; Điều chuyển, bổ sung cho các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn cấp huyện hoặc cấp huyện khác thuộc tỉnh; Chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên theo nghị định 161 năm 2018...

Như vậy, khi công chức cấp xã dôi dư thì không nhất định sẽ bị tinh giản biên chế mà còn có thể bị điều chuyển, bổ sung đến các xã, phường, thị trấn khác hoặc chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên...


Sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập: Không đơn giản “cỗ xe đông thì đuổi bớt người”

Sau sáp nhập huyện, xã, khoảng 10.000 cán bộ dôi dư sẽ được sắp xếp theo chế độ tinh giản biên chế hoặc bố trí công việc ở vị trí khác (Nguồn: bộ Nội vụ đến tháng 12/2019).


H.L