Hương Lan (Thực Hiện)

Trong 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy vừa được bầu tại đại hội Đảng bộ các tỉnh có 8 người tái cử và là Ủy viên Trung ương khóa XII; 4 nữ Bí thư không phải là người địa phương. Nhiều ý kiến nhận định, nữ giới không thiếu người tài, dám nghĩ dám làm, quan trọng là việc lựa chọn, tin tưởng giao trọng trách. Xung quanh vấn đề này, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với GS. Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia.

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác cán bộ hiện nay, đặc biệt là nhiều cán bộ chủ chốt là nữ giới, điển hình là 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy vừa trúng cử?

GS.Bùi Văn Nhơn: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao và coi trọng vị trí, vai trò của nữ giới trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người luôn căn dặn “đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ”…

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp trên tất cả các lĩnh vực, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đặc biệt, trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ đã đưa chỉ tiêu tỷ lệ cán bộ nữ như một quy định bắt buộc khi thực hiện công tác cán bộ.

Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy, hệ thống chính trị xã hội là cần thiết. Sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ là nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển. Nhìn vào số lượng cán bộ chủ chốt vừa trúng cử, theo tôi, đó là bước đột phá trong công tác cán bộ. Công tác quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nữ đã được chú trọng, điều đó khích lệ đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tự tin, chủ động phấn đấu vươn lên, cống hiến có hiệu quả cho cấp ủy.


PV: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng cán bộ nữ hiện nay?

GS.Bùi Văn Nhơn: Theo tôi, nhiều cán bộ nữ hiện nay không ngại va chạm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Bản thân đội ngũ cán bộ nữ cũng đã có những nhận thức rõ về vai trò, vị trí, trách nhiệm trước tình hình mới, đã chủ động từng bước khắc phục khó khăn, tích cực tham gia học tập các lớp đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Hầu hết cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp khi được giao nhiệm vụ đã có nhiều cố gắng vươn lên đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PV: Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo chủ chốt vẫn còn thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò và sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ. Phải chăng, việc lựa chọn cán bộ nữ đôi khi còn gặp trở ngại về định kiến, thưa ông?

GS.Bùi Văn Nhơn: Tôi đồng tình với nhận định của một ĐBQH, tâm lý xã hội vẫn đề cao nam giới hơn nữ giới tuy không rõ nét nhưng vẫn còn âm ỉ. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ nữ vẫn còn bất cập. Bên cạnh những cán bộ nữ dám nghĩ, dám làm còn một bộ phận có biểu hiện an phận, chưa sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được luân chuyển hoặc sang lĩnh vực công tác khác. Ở khía cạnh nào đó, nhiều cán bộ nữ còn thiếu những đặc điểm mà nếu ở nam được coi là tích cực- sự tham vọng, lòng dũng cảm, sự quyết tâm.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, bộ, ngành (nhất là người đứng đầu) còn chưa thật sự sát sao, thực chất. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa sâu sắc, chưa toàn diện về công tác cán bộ nữ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ còn hạn chế.

Nhiều nơi chưa thực hiện đầy đủ việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ, đặc biệt là trong giới thiệu nguồn nhân sự cấp ủy và nguồn ứng cử viên đại biểu HĐND… Thực tế rất ít cán bộ nữ được luân chuyển hoặc đủ điều kiện để thực hiện luân chuyển. Chất lượng nữ ứng cử viên chưa cao, do đó chưa đủ sức thuyết phục đối với cử tri khi cân nhắc, lựa chọn bỏ phiếu bầu cho nữ ứng cử viên.

PV: Theo ông, cần có cơ chế gì để nữ giới đột phá và phát huy vai trò trong quá trình công tác?

GS.Bùi Văn Nhơn: Bên cạnh việc đổi mới về tư duy, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo cơ hội để những người thực sự có năng lực được lựa chọn cũng cần được quan tâm, chú trọng. Thực tế cho thấy, quy định về tỷ lệ, số lượng cán bộ nữ trong tất cả các cấp ủy từ trung ương tới địa phương vẫn chưa đạt được. Theo tôi, trong mọi khâu cần chú trọng hơn nữa đối với cán bộ nữ; phải có chiến lược đầy đủ để đáp ứng, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và có chiến lược lâu dài để đào tạo nâng cao trình độ.

Trong công tác cán bộ, giao việc, tạo thử thách để cán bộ nữ dấn thân, sẵn sàng đối diện với thách thức, phấn đấu đi lên là yếu tố tiên quyết. Áp lực càng lớn càng tạo động lực cho cán bộ nữ vươn lên, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện cho bằng được những gì đã hứa trước nhân dân, tổ chức. Theo tôi, không có cách nào khác, người phụ nữ được giao trọng trách phải thể hiện, chứng minh được sự vượt trội hay ngang bằng của mình đối với nam giới, có thế xã hội mới thừa nhận. Phụ nữ hoàn toàn đủ năng lực để làm việc tốt mà không cần phụ thuộc vào quyền bình đẳng, hay sự đảm bảo về số lượng.

Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa tình trạng một đại biểu nữ “gánh” quá nhiều cơ cấu, vừa cơ cấu trẻ, cơ cấu là trí thức… làm hạn chế nguồn cán bộ lựa chọn đưa vào ứng cử.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, về tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ cấu cấp ủy phấn đấu đạt từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Điều đó cho thấy sự đột phá trong công tác cán bộ.

Qua theo dõi ở những nhiệm kỳ trước đây, cũng như nam giới, nữ giới không thiếu người tài, nhưng làm sao có thể lựa được hết những người tài vào đúng vị trí lại là vấn đề khác. Theo tôi, nên có sự đánh giá, rà soát việc tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy, chính quyền cả về số lượng cũng như chất lượng.

Đánh giá về số lượng thì dễ nhưng về chất lượng, cần xem xét những cán bộ được trao trọng trách, được người dân bầu đã làm đầy đủ trách nhiệm chưa, có thực sự đóng góp cho nhân dân, đất nước? Khi xã hội đã tạo điều kiện, tạo cơ hội thì cán bộ nữ cũng phải cố gắng để chứng tỏ năng lực của mình, khẳng định mình xứng đáng với sự lựa chọn của tổ chức, của nhân dân. Cùng với đó, cần có một cơ chế lựa chọn công bằng về tuổi tác, công khai trong tuyển chọn. Địa phương nào chọn được người đúng, người tốt phải được tuyên dương, ở đâu không đạt về chất lượng thì cũng phải xem xét”.


Tính đến nay, trong số các Bí thư Tỉnh ủy vừa được bầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 9 nữ Bí thư.

Đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam: Lê Thị Thủy

Bí thư Tỉnh ủy An Giang: Võ Thị Ánh Xuân

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh: Đào Thị Hồng Lan

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn: Lâm Thị Phương Thanh

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên: Nguyễn Thanh Hải

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Hoàng Thị Thúy Lan

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi: Bùi Thị Quỳnh Vân

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình: Nguyễn Thị Thu Hà

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu: Giàng Páo Mỷ.

Trong đó có 4 nữ Bí thư Tỉnh ủy không là người địa phương gồm: Bà Lê Thị Thủy, bà Đào Thị Hồng Lan, bà Lâm Thị Phương Thanh và bà Nguyễn Thanh Hải. Họ là những cán bộ từ Trung ương được Bộ Chính trị điều động về địa phương.

Trong 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy này, có 1 người trúng cử lần đầu là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; 8 người còn lại là Bí thư khóa trước tái cử. Về tuổi, có 5 nữ Bí thư thuộc thế hệ 7X: Bà Đào Thị Hồng Lan, sinh năm 1971; các bà Nguyễn Thanh Hải, Võ Thị Ánh Xuân, bà Nguyễn Thị Thu Hà cùng sinh năm 1970; Bà Bùi Thị Quỳnh Vân sinh năm 1974; các nữ Bí thư còn lại thuộc thế hệ 6X.

Về trình độ, có 2 PGS.TS là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà; Thạc sỹ có các bà Lê Thị Thủy, Đào Thị Hồng Lan, Lâm Thị Phương Thanh, Hoàng Thị Thúy Lan; Bùi Thị Quỳnh Vân. Cử nhân có bà Võ Thị Ánh Xuân và bà Giàng Páo Mỷ.

“Việc tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy cho thấy, về mặt chủ trương có một sự chuyển biến về nhận thức đối với tỷ lệ cấp ủy là nữ giới theo hướng tăng lên. Về mặt thực tiễn là số lượng lãnh đạo nữ tham gia cấp ủy vừa rồi khẳng định được vị thế của mình, không kém gì nam giới, thậm chí còn hơn. Đặc biệt, đó là xu thế chung, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác, nhận thức về vai trò của nữ giới đã khác trước rất nhiều.

Tỷ lệ nữ giới giữ vị trí lãnh đạo hay có mặt trong các cơ quan quyền lực Nhà nước những nhiệm kỳ gần đây có sự tiến bộ, đặc biệt tỷ lệ ĐBQH là nữ có những nhiệm kỳ vượt cả kỳ vọng đặt ra. Những kết quả đó phản ánh tinh thần chung của Đảng đặt ra là phấn đấu đưa tỷ lệ lãnh đạo nữ trong hệ thống chính trị tăng lên. Tuy nhiên, theo tôi vẫn còn có sự phân biệt với phụ nữ, trong khi đó, lãnh đạo nữ có nhiều ưu thế hơn nam giới. Thực tiễn cũng cho thấy khi nữ giới nắm quyền lãnh đạo không kém nam giới, thậm chí có người xuất sắc hơn.

Công tác chỉ đạo, đặc biệt là người đứng đầu, Bí thư cấp ủy phải sát sao và có trách nhiệm trong việc xây dựng cơ cấu đại biểu nữ, lãnh đạo nữ trong cấp ủy. Làm sao phải ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu với tập thể và của từng cá nhân”.

H.L