"Độc chiêu" nghe lén điện thoại di động

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Mới đây, các sản phẩm của thời công nghệ cao như: Sim nghe lén, phần mềm nghe lén (cài đặt trực tiếp trên điện thoại của người dùng), các dịch vụ định vị GPRS... được bán nhan nhản trên thị trường khiến nhiều người giật mình trước những hệ lụy và rắc rối có thể vấp phải.

Phá sản, tan cửa nát nhà cũng vì... chiếc ĐTDĐ

Anh Trần Văn T. (45 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) hiện là chủ một doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh máy tính trên phố Thái Hà (Hà Nội) không khỏi ngậm ngùi khi chia sẻ hoàn cảnh của mình hiện nay với PV báo Người Đưa Tin: "Tôi không thể tin rằng, mọi chuyện lại có thể xoay chuyển ngược chiều như vậy, khiến tôi sống dở chết dở".

Hỏi ra mới biết, doanh nghiệp của anh T. chuyên thực hiện dự án cung cấp máy tính với số lượng lớn cho các cơ quan, tổ chức. Mới tháng trước đây, khi nhận được thông tin và chương trình đấu thầu một dự án phân phối, lắp đặt gần 1.000 máy tính để bàn tại trụ sở mới cho một đơn vị trên địa bàn TP. Hà Nội, anh T. ngay lập tức lên phương án chuẩn bị thật chu đáo về tất cả mọi mặt, mục đích cốt yếu là phải đưa được dự án nói trên về cho công ty của anh.

Oái ăm thay, nhân viên thư ký - người cận kề với anh T. trong công việc - lại chính là người "hại" anh T., khiến anh mất đi một khoản lợi nhuận đến cả tỷ đồng. "Do quan hệ thân thiết đối với gia đình mình nên bắt buộc mình phải nhận mà thôi" - anh T. nói. Gặng hỏi mãi, anh T. mới chịu nói hết sự tình: Có thể nam thanh niên đó đã "bán rẻ" anh T. bằng cách cài một thiết bị nghe lén lên ĐTDĐ của anh T. với mục đích kiểm soát toàn bộ thông tin trong quá trình tham gia đấu thầu dự án này, khiến anh T. trượt thầu.

Tại buổi mở thầu, công ty máy tính của anh T. trượt thầu. Lúc đầu, anh nghĩ đây là một việc bình thường của doanh nghiệp. Nhưng trong một lần vô tình, anh biết được một sự thật rằng, chiếc điện thoại mà anh đang sử dụng đã được cài phần mềm nghe lén một cách rất tinh vi. Nghĩ mãi xem kẻ nào lại cài thiết bị đó lên ĐTDĐ của mình, anh T. hoảng hốt khi nhận ra rằng, nam thanh niên làm thư ký cho anh lại chính là "kẻ phản bội".

Theo đó, trong một lần đi công tác về, anh T. để quên ĐTDĐ trên xe ô tô, tay thư ký ngay lập tức cài một phần mềm nghe lén lên điện thoại của anh, khiến mọi sự chuẩn bị cho việc đấu thầu đều bị một đơn vị khác biết trước. Kết cục là anh T. thất bại đau đớn trong buổi mở thầu. Chưa hết, công sức và tiền bạc để chuẩn bị cho công việc này cũng khá nhiều, việc thất bại đã đẩy công ty của anh T. lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục cán bộ, nhân viên trong công ty. Sự thực này càng rõ ràng hơn khi ngay sau buổi đấu thầu thất bại đó, tay thư ký của anh T. đã xin nghỉ việc. "Đúng là nuôi ong tay áo mà không biết" - anh T. than thở.

Công nghệ - 'Độc chiêu' nghe lén điện thoại di động

Một số sản phẩm nghe lén được rao bán

Chưa dừng ở chuyện kinh doanh, những bí mật đời tư cũng không nằm ngoài nguy cơ bị xâm hại. Có những chuyện dở khóc, dở cười khiến người đọc không khỏi giật mình khi biết đến là cả "teen" cũng dùng các loại hình sản phẩm này để theo dõi người yêu của mình. PV đã tìm gặp em L.T.N (học sinh lớp 10 trường THPT Việt - Đức, Hà Nội), một "teen" khá sành sỏi về đồ công nghệ phục vụ nghề "thám tử" với mục đích theo dõi đối phương của mình.

Em N. hồn nhiên cho biết: "Có những thứ này, em đỡ phải mất công quản lý người yêu, anh ạ". Qua tìm hiểu, được biết, N. đã chuẩn bị cho người yêu của mình (một "teen" học cùng lớp) một bộ thiết bị công nghệ cao gồm: 1 sim nghe lén, 1 phần mềm đã được cài vào máy điện thoại có nhiệm vụ truyền tải hết tất cả những thông tin đi, thông tin đến trên máy của cậu ta đến máy của N. Khi đã cài đặt, một con chip có nhiệm vụ thông báo chính xác thời điểm hiện tại cậu ta đang ở đâu (thiết bị định vị GPRS). Khi được hỏi mua những thiết bị này ở đâu, N. cho biết: "Anh cứ lên mạng, search trên công cụ tìm kiếm của Google là ra liền. Trên đó, họ rao bán cả trăm loại sản phẩm phục vụ ngành thám tử; thậm chí còn có cả đồng hồ và kính mắt của điệp viên 007 nữa".

Dễ như mua rau

Theo lời N., tôi search cụm từ "nghe lén điện thoại di động", ngay lập tức có cả chục website bán hàng online như nghetromdiexxxxxx.com; thamtx.org, simnghexxx.com... Chọn một website để vào, trên trang web hiện ra hàng trăm mặt hàng phục vụ cho công việc "thám tử", vốn trước đây những sản phẩm này chỉ được dùng cho cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trên mạng cũng rao bán khá nhiều thiết bị được quảng cáo sử dụng với sim điện thoại cho phép nghe trộm điện thoại qua sóng di động GSM.

Một người bán hàng cho biết, chỉ cần đặt thiết bị tại nơi cần theo dõi, đối tượng nghe trộm sau đó sẽ gọi vào số thuê bao của chính chiếc sim cài vào thiết bị; ngay lập tức thiết bị sẽ tự thu âm thanh xung quanh để truyền đến điện thoại của đối tượng có nhu cầu nghe trộm. Thiết bị có khả năng ghi âm, trang bị pin Lithium dung lượng cao (cho thời gian chờ 15 - 20 ngày, sử dụng trong 3- 4 ngày), tích hợp camera có chức năng quay phim, chụp hình, ghi âm từ xa, đồng thời có thể lưu vào thẻ nhớ dung lượng tối đa lên tới 16GB. Loại thiết bị có giá 3 - 3,2 triệu đồng/chiếc). Điều đáng nói, các đối tượng kinh doanh đã sẵn sàng công khai cả tên lẫn địa chỉ công ty bằng cách lập web riêng phục vụ việc kinh doanh.

Chuyên gia nói về thiết bị nghe trộm

Theo ông Hà Trọng Nghĩa, giảng viên Học viện Bưu chính viễn thông: "Các phần mềm nghe lén, theo dõi điện thoại di động (ĐTDĐ) hoạt động như phần mềm gián điệp trên máy tính, rất khó phát hiện. Các phần mềm này sau khi được cài đặt vào điện thoại sẽ âm thầm ghi lại cuộc gọi, tin nhắn... và dễ dàng truyền về một địa chỉ nào đó mà kẻ xấu đã đặt sẵn. Kẻ lắp đặt thiết bị nghe trộm chỉ cần tiếp cận ĐTDĐ muốn nghe lén, sau đó truy cập trang web có chứa phần mềm này, nhập mã số là... xong. Phần mềm sẽ được tải về, cài đặt tự động trên ĐTDĐ mà không ai biết. Phần mềm này có thể "ẩn mình" hoàn toàn, ngay cả kỹ sư viễn thông cũng bó tay".

Ông Nghĩa đưa ra lời khuyên khi phát hiện điện thoại có dấu hiệu bị nghe lén, theo dõi, người dùng nên đến các trung tâm kỹ thuật của hãng điện thoại hoặc nhờ chuyên gia dò tìm xem máy có bị cài phần mềm hay không để gỡ bỏ. Người dùng không nên tự ý cài đặt các phần mềm lạ trên mạng, không truy cập đường link trong tin nhắn do số máy lạ gửi đến. Người dùng cần cài mật khẩu ĐTDĐ, không nên cho người khác mượn máy, khi thấy nghi ngờ thì có thể format lại máy để xóa phần mềm nghe lén. Ngoài ra, chúng ta có thể cài thêm các phần mềm bảo mật, quét virus".

Trao đổi với PV, Luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: "Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự; quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nếu tự ý đặt thiết bị nghe trộm, nghe lén mà không được sự đồng ý của người sử dụng thiết bị đó là vi phạm pháp luật. Hiện nay, việc nghe trộm, nghe lén điện thoại đã trở nên rất phổ biến, vi phạm các điều khoản của Bộ luật Dân sự. Theo tôi, nên có một Nghị định cụ thể để thể chế hóa quy định về nghe trộm, nghe lén để xử lý nhằm răn đe những đối tượng có hành vi nghe trộm".

Sẽ xử lý nghiêm

Ông Nguyễn Văn Minh, chánh thanh tra sở Thông tin-Truyền thông Hà Nội cho biết: "Theo đánh giá của cán bộ công an thành phố, các thiết bị viễn thông này khi được mua bán và sử dụng nhiều đã gây ra tâm lý bất an cho tất cả mọi người vì luôn tồn tại cảm giác bị theo dõi, giám sát. Các cuộc họp, hội nghị, các cuộc đàm thoại cũng rất có thể bị theo dõi, các thông tin nội bộ, bí mật không được bảo đảm an toàn làm cho người sử dụng ĐTDĐ có tâm lý bất an. Thời gian tới, thanh tra Sở sẽ tập trung vào thanh, kiểm tra loại mặt hàng này. Sẽ xử lý nghiêm người có hành vi mua - bán thiết bị này".

Lê Anh - Lạc Thành