Điều ít biết về gia thế của anh hùng Lý Tự Trọng

Điều ít biết về gia thế của anh hùng Lý Tự Trọng

Thứ 3, 22/10/2013 | 13:36
0
“Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”, câu nói cuối cùng trước khi lên pháp đình nhận bản án tử hình của anh hùng 17 tuổi Lý Tự Trọng đã trở thành châm ngôn sống của nhiều thế hệ thanh niên hồi đó.

Anh đã trở thành một tấm gương cho nhiều người con Việt. Thế nhưng, ít ai biết rằng, hiện nay tại quê nhà của Lý Tự Trọng ở xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang có một người em gái lặng lẽ hương khói cho anh suốt bao nhiêu năm qua, dù cả hai chưa một lần biết mặt.

Quãng đời chói sáng của người anh hùng

Anh hùng Lý Tự Trọng (1914 – 1931, tên thật là Lê Văn Trọng) được biết đến là người đoàn viên thanh niên cộng sản  đầu tiên. Tên anh cũng trở thành niềm tự hào cho bao thế hệ trẻ học tập và noi theo. Cuộc đời cách mạng của anh, ít nhiều được sách vở ghi chép lại, lưu truyền rộng rãi. Thế nhưng không phải ai cũng biết quãng đời ngắn ngủi của người anh hùng thiếu niên này.

Xã hội - Điều ít biết về gia thế của anh hùng Lý Tự Trọng

Bà Lê Thị Bảy, em gái anh hùng Lý Tự  Trọng.

Lý Tự Trọng là anh đầu của 7 người em trong một gia đình Việt kiều Thái Lan giàu lòng yêu nước. Bố mẹ của ông tên là Lê Hữu Đạt và Nguyễn Thị Sờm, đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau mấy năm mòn mỏi chờ con, khi sinh ra cậu con trai đầu lòng, ông bà sợ khó nuôi nên đã đặt tên cúng cơm cho người anh hùng tương lai này là Dái Khoan. Nhưng rồi, sau khi anh cả Trọng ra đời, ông bà lần lượt sinh thêm 7 đứa con nữa, trong đó bà Lê Thị Bảy là út.

Khi bà Bảy lên 2 tuổi thì anh cả của bà đã về miền thiên cổ. Mọi ký ức về anh, bà chỉ được nghe qua lời kể của bố mẹ và người anh thứ hai là ông Lê Văn Đại. Từ đó, chân dung về người anh dũng cảm, kiên trung Lý Tự Trọng đã trở thành một niềm tự hào lớn, là tấm gương rọi sáng cuộc đời bà cho đến mãi về sau. Những người thân trong gia đình bà lần lượt “ra đi”, hiện còn hai chị gái đang sinh sống ở Thái Lan và bà Bảy là cô em gái út, người thân ruột thịt duy nhất còn lại của anh hùng Lý Tự Trọng tại quê nhà. Ngày ngày, bà Bảy vẫn thay thế mọi người trong dòng họ, lặng lẽ sớm tối hương hỏa cho anh trai mình tại nhà thờ ở Việt Xuyên.

Bà Lê Thị Bảy chia sẻ: “Dù chưa biết mặt anh trai, nhưng qua lời kể của mọi người, tui biết gia đình ở Thái Lan là nơi che chở cho cán bộ cách mạng. Ngày tui sinh ra thì anh Trọng đang hoạt động cách mạng bí mật. Tui tròn 2 tuổi thì thực dân Pháp đưa anh tui lên máy chém”. Nhưng qua lời kể của người thân, bà được biết cuộc đời 17 năm ngắn ngủi của người anh cả Lý Tự Trọng gần như sống ở Thái Lan và Trung Quốc.

Tuổi thơ của anh hùng này gắn liền với làng Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan). Năm 1923, cảnh sát Thái Lan và mật vụ Pháp bao vây ngôi trường Bản Đông, do chí sĩ Đặng Thúc Hứa lập nên (hai anh em Trọng - Đại cùng theo học tại đây) phải đóng cửa. Sau đó Lý Tự Trọng may mắn được Thầu Chín (tên gọi khác của Bác Hồ) đưa qua Trung Quốc để học tập. Năm đó, anh mới 10 tuổi. Hiện hai người em gái của Lý Tự Trọng là chị Tư (Quý) và chị Sáu vẫn đang sinh sống ở Bản Mạy. Hai bà tuổi đã cao, sức yếu, bệnh tật liên miên nên từ năm 1995 đến nay không về quê hương. Nhớ lại tuổi thơ hai chiều xuôi ngược Việt – Thái của mình, bà Bảy bảo: Đó là những năm tháng cơ cực nhất trong cuộc đời. Năm 1937, bà mới 4 tuổi, được mẹ gồng gánh cùng chị gái Lê Thị Sáu từ Thái Lan về Hà Tĩnh để tránh sự truy lùng của chính quyền Thái. Mỗi chuyến đi kéo dài suốt mấy tháng trời. Vậy mà cả gia đình đã phải thực hiện rất nhiều những chuyến đi như vậy, cho đến năm 1957, cả đại gia đình trở lại đất nước Việt Nam sinh sống cố định. Nhớ lại những ngày xưa cũ, bà không giấu nổi  xúc động, bồi hồi.

Kể về người anh cả vĩ đại, bà Bảy cho biết: “Khi bà sinh ra thì anh mình đã mất, nên họ chưa một lần được nhìn mặt nhau. Bà chỉ biết đến anh cả qua bức di ảnh, qua câu chuyện bố mẹ và anh Đại kể. Sau này đến khi đi học, bà lại “gặp” anh mình trong những tư liệu lịch sử.  Ngoài những gì lưu truyền trong sách vở, tư liệu, bà không nhớ được nhiều về cuộc đời cách mạng của anh cả Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, giây phút hy sinh của anh thì bà nhớ mãi. Sau này, trong những câu chuyện kể cho con cháu nghe, bà vẫn còn nhớ vanh vách. Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước để thực hiện nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh niên cộng sản và làm liên lạc cho xứ ủy Nam Kỳ. Ngày 09/2/1931, trong buổi kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái, khi tên thanh tra mật thám Lơ Gơrăng định lao tới bắt người đang giương cờ và diễn thuyết, Lý Tự Trọng đã nhảy ra bắn chết Lơ Gơrang. Sau đó, địch lùng bắt được anh, chúng dùng những hình thức tra tấn dã man như thời trung cổ và kết án tử hình cho người thanh niên 17 tuổi ấy. Lời cuối cùng anh nói trước tòa rất dõng dạc, đã trở thanh câu nói bất hủ, làm nung cháy nhiều trái tim cách mạng của thanh niên thời đó. Và trong một bài viết của nhà báo nước ngoài có tên Angđơrê Viôlít: “Trước máy chém, Trọng định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu "Việt Nam! Việt Nam!". 

Nghe kể đến đây, người viết có một sự xúc động khó tả, còn bà Bảy thì nước mắt lưng tròng.

Xã hội - Điều ít biết về gia thế của anh hùng Lý Tự Trọng (Hình 2).

 Khu mộ Lý Tự Trọng tại quê nhà Việt Xuyên.

Giây phút đau thương của Mẹ...

Như đã nói, bà Lê Thị Bảy hiện nay là người em duy nhất của anh hùng Lý Tự Trọng tại quê hương Việt Xuyên. Mấy chục năm qua, bà là người lặng lẽ và đều đặn hương khói cho anh mình.

Trong ngôi nhà tình nghĩa cấp 4 do Báo Thiếu niên tiền phong xây tặng, bà Bảy sống cảnh một mình với tuổi già. Ông Nguyễn Văn Đờn, chồng bà đã mất do bệnh. Hai vợ chồng lấy nhau về có tận 6 mặt con, 30 cháu, 5 chắt. Các con của ông bà đều thoát li đi lập nghiệp, gây dựng tổ ấm riêng ở xa, riêng mỗi cô con gái thứ 3 lấy chồng gần nhà, thỉnh thoảng qua lại thăm mẹ. Bà Bảy kể thêm, gia đình bà là một đại gia đình Việt kiều có truyền thống cách mạng. Anh chị em ai cũng được bố mẹ nuôi ý chí cách mạng từ nhỏ, nên họ đều tham gia đánh giặc, ngoại trừ bản thân bà. Chồng bà Bảy nguyên là bí thư, chủ nhiệm cán bộ ngành giao thông công tác tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Sau khi thành con rể nhà họ Lê yêu nước, ông Đờn đã nhiệt tình tham gia cách mạng, chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt ở phà Phao (Đức Thọ), cầu Linh Cảm (Hương Sơn). Sau này, khi hòa bình lập lại, ông được điều sang công tác tại ban tuyên huấn tỉnh đến khi về hưu theo chế độ.

Bản thân gia đình nhỏ của bà Bảy cũng là một cái nôi cách mạng. Trong số 7 người con của ông bà có anh Nguyễn Văn Đức là con trưởng đã hy sinh khi đang chiến đấu chống Mỹ cứu nước tại mặt trận Tây Ninh. Cũng như bao người phụ nữ Việt Nam thời chiến, bà đảm nhiệm vai trò của một hậu phương vững chắc, quần quật với mấy mẫu ruộng nuôi các con ăn học, chồng con yên tâm tham gia cách mạng.

Bà trầm ngâm khá lâu, những hình ảnh không thể quên về tình cảm của mẹ bà dành cho đứa con trai 17 tuổi đời xả thân hy sinh vì đất nước vẫn là những “thước phim quay chậm” khó có thể phai mờ. Kể lại giây phút cuối cùng khi giặc đưa Lý Tự Trọng lên máy chém, bà Sờm cứ đi ra đi vào, rồi bất giác ngồi thần một lúc lâu như người mất hồn, nhìn ra cửa nước mắt ròng ròng. Là một người làm cách mạng, sắp mất đi một đứa con mình dứt ruột đẻ ra, bà mang một nỗi đau không thấu tới, vậy mà không la hét khóc lóc, bà nén đau thương vào trong, âm thầm chịu đựng. Nhìn bà lúc đó là sự chất chứa, kìm nén đến tột cùng. Rồi cứ ngày này qua ngày khác, bà không ăn uống gì cả, đêm chong mắt đến sáng. Thời gian sau bà gầy rộc đi vì thương nhớ con. Đến lúc hấp hối, trước lúc nhắm mắt xuôi tay, bà Sờm vẫn còn cố ngước cổ lên nhìn di ảnh đứa con trai lần cuối rồi mới yên lòng trút hơi thở cuối cùng...     

Tâm niệm

Cuộc đời của người anh hùng thiếu niên ấy đã đi vào lòng của rất nhiều thế hệ trẻ người Việt, vậy mà không phải ai cũng biết đến một người phụ nữ mấy chục năm nay sớm hôm lặng lẽ hương khói cho anh. Trước sức tàn phá của thời gian, thiên tai lũ lụt, phần mộ cũng như ba gian nhà thờ Lý Tự Trọng vẫn luôn được sạch sẽ, thoáng đãng. Bà Bảy bảo: “Anh tôi là niềm tự hào của cả dòng họ. Tôi luôn tâm niệm, giữ được sự sạch sẽ những nơi ấy, anh tôi sẽ được yên tâm an nghỉ”.

LOAN NGUYỄN

Gặp người 'ba lần thoát chết nhờ 'người âm' cứu mạng'

Thứ 6, 21/06/2013 | 14:44
“Tôi đã sống với “họ” hàng chục năm nay, gắn bó như người thân ruột thịt. Tôi lập bàn thờ, chọn ngày rằm tháng 7 trong năm làm đám giỗ cho những vong hồn vô chủ, vì thế ai cũng bảo tôi bị ma ám, làm bậy. Nhưng nếu nghe câu chuyện của tôi thì mới biết, được sống cùng với “họ”, tôi đã may mắn đến thế nào” - ông Nguyễn Nhật Tân ở Quan Hoa quận Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự.

Gặp người nhạc sĩ của những khúc dân ca nổi tiếng

Thứ 7, 22/06/2013 | 21:49
Ông là nhạc sĩ Ngọc Thịnh, được người nghe biết đến qua những ca khúc dân ca nổi tiếng như: Mẹ, Lời quê, Câu đợi câu chờ, Ca dao sông quê, Hà Tĩnh quê mình, Sông thu...

Gặp người 'ba lần thoát chết nhờ 'người âm' cứu mạng'

Thứ 6, 21/06/2013 | 14:44
“Tôi đã sống với “họ” hàng chục năm nay, gắn bó như người thân ruột thịt. Tôi lập bàn thờ, chọn ngày rằm tháng 7 trong năm làm đám giỗ cho những vong hồn vô chủ, vì thế ai cũng bảo tôi bị ma ám, làm bậy. Nhưng nếu nghe câu chuyện của tôi thì mới biết, được sống cùng với “họ”, tôi đã may mắn đến thế nào” - ông Nguyễn Nhật Tân ở Quan Hoa quận Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự.

Gặp người nhạc sĩ của những khúc dân ca nổi tiếng

Thứ 7, 22/06/2013 | 21:49
Ông là nhạc sĩ Ngọc Thịnh, được người nghe biết đến qua những ca khúc dân ca nổi tiếng như: Mẹ, Lời quê, Câu đợi câu chờ, Ca dao sông quê, Hà Tĩnh quê mình, Sông thu...