Cuộc sống cổ qua báu vật sách lá của người Vân Kiều

Cuộc sống cổ qua báu vật sách lá của người Vân Kiều

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Qua bao sự thay đổi, người Khùa vẫn đang giữ những cuốn sách cổ được viết trên các loại lá cây có niên đại hàng trăm năm và chúng được xem là báu vật với nhiều bí ẩn về cuộc sống, phong tục tập quán của tổ tiên họ.

Dưới chân đỉnh Giăng Màn là những bản làng rải rác của tộc người Khùa (tộc người thuộc nhóm Bru - Vân Kiều sinh sống chủ yếu ở xã biên giới Dân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình). Qua bao sự thay đổi, người Khùa vẫn đang giữ những cuốn sách cổ được viết trên các loại lá cây có niên đại hàng trăm năm và chúng được xem là báu vật với nhiều bí ẩn về cuộc sống, phong tục tập quán của tổ tiên họ. Hiện nay, nhiều người cao tuổi của tộc Khùa cũng chỉ có thể dịch được một ít, các chuyên gia thì dường như "bó tay". Vì vậy, những dữ liệu từ cuốn sách đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Báu vật trăm năm

Trong một chuyến đi lên vùng cao Minh Hóa, chúng tôi được các chiến sĩ bộ đội biên phòng thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết, việc người dân vừa giao nộp một quyển sách quý có tuổi đời mấy trăm năm theo chương trình: "Phát hiện, sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số miền biên giới" do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình phát động.

Tò mò muốn biết quyển sách quý như thế nào, chúng tôi được chính các chiến sĩ biên phòng dẫn đi gặp người dân để họ chứng minh cho sự "quý hiếm" của quyển sách lá, được xem là báu vật của tộc người Khùa.

Xã hội - Cuộc sống cổ qua báu vật sách lá của người Vân Kiều

Chữ viết trên lá vẫn rõ nét dù đã tồn tại hàng trăm năm.

"Người Khùa vốn không có chữ viết nên trước khi được học chữ quốc ngữ, họ phải vay mượn chữ viết của các tộc người khác. Vốn có nguồn gốc sinh sống xuất xứ ở bên nước bạn Lào, nên trước đây người Khùa vẫn dùng chữ cổ Lào để làm chữ viết dạy lại cho đời sau. Chính những quyển sách lá này là nơi lưu giữ vốn văn hóa, lịch sử của họ để truyền lại cho thế hệ con cháu. Chỉ một số gia đình danh giá, có học, mới có được những quyển sách cổ như thế này", Thượng tá Phan Thanh Tâm - đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cho hay.

Theo chân trung úy Trương Vỹ Lê, người trực tiếp thu nhận quyển sách lá, chúng tôi tìm đến căn nhà sàn nằm chênh vênh trên một con dốc nhỏ của gia đình ông Hồ Phoong, ở bản Hà Vy (hay còn gọi là bản Kroong, xã Dân Hóa) để tìm hiểu gốc tích của cuốn sách. ông Hồ Phoong cho biết, sách này do đời sơ (đời cố - PV) của ông để lại cho ông nội, cha rồi truyền lại cho ông.

Hồ Phoong kể: "Trước lúc đi xa, ông nội tôi là Hồ Văn đã gọi bố tôi và tôi căn dặn phải gìn giữ cẩn thận hai bộ sách lá đã ngoài trăm tuổi, bởi đó là gốc tích, là nguồn cội của dân tộc Khùa". Thuở thiếu thời, Hồ Phoong vẫn thường được thấy cảnh ông nội đem quyển sách lá ra đọc, dạy lại thứ chữ cổ xưa hàng trăm năm để cho cha Hồ Phoong là Hồ Phòm hiểu và đọc được. Chiến tranh loạn lạc, Hồ Phòm nhiệt tình tham gia cách mạng (được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967) rồi mất nên không thể truyền lại cách đọc và viết theo thứ chữ cổ trong quyển sách lá cho Hồ Phoong.

Và đến nay, dù không đọc được chữ trong đó nhưng trải qua bao nắng mưa, thiên tai lũ lụt với hàng chục lần chuyển nhà nhưng ông Hồ Phoong vẫn cất giữ hai bộ sách lá do cha ông để lại. "Sách này bán chẳng được mấy đồng bạc nhưng dù có trả bao nhiêu tiền đi nữa mình cũng không bán. Đây là sách quý, là báu vật hàng trăm năm của người Khùa để lại nên mình phải giữ nó. Con cháu mình rồi cũng sẽ giữ nó. Hy vọng đời sau chúng nó sẽ tìm được cách học - đọc - viết lại thứ chữ trong sách này để dạy lại cho con cháu chứ mình chịu rồi. Mình không được cha dạy thứ chữ này", ông Hồ Phoong tâm sự.

Xã hội - Cuộc sống cổ qua báu vật sách lá của người Vân Kiều (Hình 2).

Ông Hồ Phoong kể lại nội dung cơ bản của quyển sách lá.

Bí ẩn cuộc sống bên trong sách quý

Sách được xem là báu vật, không chỉ bởi nó quý giá về tuổi đời mà còn ở sự kỳ công để tạo nên nó và đặc biệt là nội dung ẩn chứa bên trong. Theo lời ông Hồ Phoong, sách được viết bởi thứ chữ Lào cổ do các nhà sư Lào xa xưa thường dùng để viết kinh Phật. Tộc Khùa trước kia vốn định cư bên đất bạn Lào nên đã tiếp thu thứ văn tự này rồi truyền lại cho các thế hệ con cháu đời sau.

Ông cha của Hồ Phoong kể lại rằng, sách lá là cuốn bách khoa toàn thư kể về nguồn gốc ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và cả văn học của dân tộc Khùa. Không chỉ vậy, nội dung của sách lá còn có những điều khuyên răn về đạo đức, các bài học kinh nghiệm về thời tiết, đất đai, cách trồng trọt, săn bắn, hái lượm... do nhiều đời trước của tộc Khùa để lại. Sau khi được Đồn Biên phòng Cha Lo thu nhận, cán bộ phụ trách ngôn ngữ khá thông thuộc chữ viết và tiếng Lào đã không đọc được sách này, đó là xác nhận của đồng chí Đồn trưởng Phan Thanh Tâm.

Không khỏi băn khoăn về cuốn sách lạ, chúng tôi tìm đến chị Trần Thị Thanh Loan, thông dịch viên Hải quan cửa khẩu Cha Lo, người từng tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học Đại học Quốc gia Lào nhờ giúp đỡ, nhưng chị Loan vẫn lắc đầu bó tay với thứ văn tự cổ xưa ghi trong sách lá.

Chị Loan xác nhận, quyển sách này được lưu hành thông dụng ở Lào khoảng hơn 200 năm trước. Những quyển sách như thế này được gọi là "Mạy mặc tàn" (tiếng Lào), tiếng Khùa gọi là "Phôộc năng xừ" (có nghĩa là sách lá - PV). Sách thường được viết trên các loại lá như lá cây thốt nốt ở Campuchia, lá cây Bay lan (1 loài cây buông ở Lào).

Xã hội - Cuộc sống cổ qua báu vật sách lá của người Vân Kiều (Hình 3).

Chị Trần Thị Thanh Loan, thông dịch viên thông thuộc tiếng Lào cũng chỉ đọc được một số ít chữ trong sách lá.

Để viết được những cuốn sách như thế này, người viết phải có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực và phải mất hàng năm trời mới viết xong một cuốn sách. Công đoạn chuẩn bị cũng hết sức công phu bởi loại lá để viết sách phải được buộc ủ đủ 1 năm trời mới đem sấy khô và viết được chữ lên đó. Mực để viết lên lá là loại mực tàu trộn với mật của một loại cá chỉ sống ở khe suối để chữ viết có thể tồn tại hàng trăm năm không phai mờ. Quả thực, khi được nhìn tận mắt cuốn sách lá, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự sắc nét đến kỳ lạ trên từng nét chữ.

Trở lại Dân Hóa, ông Hồ Phoong khuyên chúng tôi nên tìm đến nhà ông Hồ Căm (77 tuổi) ở bản Y Leng. Cầm quyển sách lá trên tay, dù mắt đã kém đi nhiều nhưng ông vẫn gắng đọc cho khách nghe một đoạn nói về chuyện chàng trai Khùa đứng hát bên cạnh một người thổi khèn để tán tỉnh các cô gái cùng trang lứa bên dòng suối thơ mộng. Hồ Căm khẳng định như đinh đóng cột rằng, đây là sách lá được viết bằng chữ Lào cổ, là cuốn sách nói về cội nguồn, lịch sử, văn hóa... dân tộc Vân Kiều. Thỉnh thoảng, trong cuốn sách còn xuất hiện nhiều hình vẽ thể hiện cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của con người. Trước đây, cũng như nhiều gia đình tộc Khùa, nhà Hồ Căm cũng có một quyển nhưng đã bị mất trong một trận lũ lớn hơn bốn chục năm trước.

Theo ông Hồ Kết (86 tuổi) ở bản Y Leng, loại sách lá này chỉ là sách dùng để đọc tụng niệm trong các dịp tang lễ, cúng bái giống như các bài văn khấn tế cúng của người Kinh ở dưới xuôi. Ông Kết cũng từng có một quyển sách lá do ông cha đời trước để lại nhưng ông đã làm mất trong một lần chuyển nhà đi nơi khác. Như để dẫn chứng, ông Hồ Kết lấy ra cuốn sổ tay đã úa màu do mình viết lại bằng thứ chữ giống như trong sách lá, rồi ngồi đọc và diễn giải lại nội dung trong đó.

Những dữ liệu trong cuốn sách độc đáo của người Khùa, đang khiến nhiều người dân ở đây tò mò về cuộc sống trước đây của cha ông họ. Cho đến bây giờ, người ta vẫn khó có thể giải thích được, vì sao chỉ với những loài lá cây mà sự tồn tại của sách lá đó cóỏ thể vượt qua sự hủy hoại ghê gớm của thời gian? Những quyển sách nay còn nhiều bí ẩn, cần đến sự nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học .

Ông Hồ Phoong là người còn giữ lại hai quyển sách lá cuối cùng của tộc người Khùa ở Minh Hóa (Quảng Bình). Một quyển dài khoảng 50cm, có 150 trang, mỗi trang rộng chừng 5cm, có 5 dòng chữ viết được Ban dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Bình mượn; Quyển còn lại dài khoảng 60cm, có 200 trang, mỗi trang có 4 dòng chữ viết được ông Hồ Phoong giao nộp cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo tạm thu nhận nghiên cứu. Điều đặc biệt là loại sách lá này có thể ngâm trong nước mưa mấy ngày liền vẫn không phai, nhòe chữ viết.

Hồ Ngọc - Linh Đan