Cột mốc Km số 0 ở Hồ Gươm: Cần đặt trong quy hoạch tổng thể

Cột mốc Km số 0 ở Hồ Gươm: Cần đặt trong quy hoạch tổng thể

Thứ 6, 14/04/2017 | 11:37
0
“Cần cân nhắc thận trọng và kỹ lưỡng sao cho hình tượng cột mốc số 0 không làm thay đổi cảnh quan, không ảnh hưởng đến giá trị không gian văn hóa công cộng”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Ngày 12/4, sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, đơn vị này đang phối hợp cùng quận Hoàn Kiếm nghiên cứu xây dựng cột mốc Km số 0 ở phố đi bộ Hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Liên quan đến phương án dịch chuyển chiếc đồng hồ hoa để xây dựng cột mốc Km số 0 tại ở phố đi bộ Hồ Gươm, PV báo Người Đưa Tin đã tham vấn ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực địa lý.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – viện Vật lý địa cầu nêu ý kiến: “Đồng hồ hoa chỉ là món quà, dù rất đẹp nhưng về thực tiễn cột mốc số 0 là ý tưởng rất hay. Ở một số thành phố lớn trên thế giới, người ta đã có những cột mốc số 0 và là điểm nhấn của thủ đô. Không ít người đã đến những điểm đó để chụp ảnh. Còn về mặt địa lý, cột mốc số 0 sẽ hay hơn rất nhiều chiếc đồng hồ hoa”.

“Nếu UBND TP.Hà Nội có ý định làm cột mốc số 0 thì cũng nên tham khảo thêm khuôn mẫu của quốc tế để làm. Vì đây là điểm nhấn để mình quảng bá thương hiệu đất nước Việt Nam với bạn bè thế giới, du khách đến du lịch. Để có được một cột mốc đẹp và tương xứng, để lại dấu ấn nên mở cuộc thi để chọn ra khuôn mẫu cột mốc số 0 phù hợp với bản sắc Hà Nội, bản sắc Việt Nam”, ông Phương nhấn mạnh.

Xã hội - Cột mốc Km số 0 ở Hồ Gươm: Cần đặt trong quy hoạch tổng thể

 Đề xuất đặt cột mốc số 0 tại vị trí đồng hồ hoa hiện nay.

Trao đổi với PV, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: “Tôi ủng hộ ý tưởng dựng cột mốc số 0 ở Hà Nội, nhưng địa điểm phù hợp nhất có lẽ là ở xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đây là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nên vấn đề xây dựng mới, tôn tạo là rất tế nhị và phức tạp. Vì thế, cần phải cân nhắc thận trọng và kỹ lưỡng sao cho hình tượng cột mốc số 0 không làm thay đổi cảnh quan, không ảnh hưởng đến giá trị không gian văn hóa công cộng, điểm nhấn không gian kiến trúc đô thị của Hà Nội.

Việc dựng cột mốc số 0 nếu góp phần tôn tạo, làm đẹp và tăng sức cuốn hút cho khu vực hồ Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung thì chúng ta không nên phê phán. Vì thế việc thực hiện theo phương án kiến trúc và hình tượng nghệ thuật  nào, đều cần có sự cân nhắc và lựa chọn cho phù hợp.

Phải khẳng định một lần nữa, cột mốc số 0 chỉ là cột mốc văn hóa mà không phải là biểu tượng văn hóa của Hà Nội vì Khuê Văn Các ở Văn miếu Quốc Tử Giám đã chính thức được lựa chọn là biểu tượng văn hóa chung của cả Thủ đô".

Xã hội - Cột mốc Km số 0 ở Hồ Gươm: Cần đặt trong quy hoạch tổng thể (Hình 2).

 PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh: "Chúng ta nên công khai, xin ý kiến rộng khắp để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng".

PGS.TS Đặng Văn Bài nói: “Tôi tin rằng nếu các phương án kiến trúc, hình tượng nghệ thuật và chất liệu dựng cột mốc văn hóa tạo nên được điểm nhấn không gian và sự cuốn hút mà không ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu di tích thì sẽ được nhiều người ủng hộ. Vấn đề xây dựng cột mốc số 0 cần được đặt trong quy hoạch tổng thể “Bảo vệ và phát huy giá trị của khu phố cổ Hà Nội nói chung và khu di tích hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn nói riêng” đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030”.

"Chúng ta nên công khai, xin ý kiến rộng khắp để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng mà ở đây được hiểu là: Cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng cư dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tài trợ cho dự án, du khách trong và ngoài nước…

Cần khẳng định: Dự án này không sử dụng ngân sách Nhà nước mà phải huy động các nguồn lực xã hội. Vì thế, các nhà quản lý nên cân nhắc, lựa chọn, dũng cảm quyết định và dám chịu trách nhiệm trước xã hội. Bởi vì, mọi vấn đề nhạy cảm như thế sẽ không bao giờ có được sự đồng thuận tuyệt đối, đặc biệt lại có liên quan đến di tích lịch sử quốc gia như hồ Hoàn Kiếm. Các nhà quản lý nên tránh hiện tượng “đẽo cày giữa đường”, hãy lắng nghe và dũng cảm chịu trách nhiệm khi thực hiện những ý tưởng tốt đẹp như thế này", PGS nhấn mạnh.

Nguyên Mạnh