Công chúng Việt và văn hóa 'thích' phản ứng

Công chúng Việt và văn hóa 'thích' phản ứng

Thứ 7, 27/04/2013 | 13:37
0
Không biết từ khi nào trong văn hóa Việt đã hình thành một lớp "công chúng mới" cực kỳ nhạy cảm và "thích" phản ứng dữ dội, bạo liệt trước tất cả những vấn đề - sự kiện - nhân vật văn hóa đang diễn ra.

Tâm lý đám đông

Tôi bắt đầu bài viết này bằng một nhận định có phần gay gắt của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy: "Đám đông bao giờ cũng mù quáng". Thực tế, tâm lý đám đông hay adua và thích chơi trò tập thể, không có chính kiến chủ quan mà Đỗ Lai Thúy nhắc tới là hoàn toàn có cơ sở, trong bối cảnh mà những sự kiện văn hóa của Việt Nam gần đây liên tiếp nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần của họ. 

Dường như chưa bao giờ những người làm và theo dõi văn hóa tâm huyết lại cảm thấy nản chí và có phần bất lực trước sự lộn xộn trong bức tranh “văn hóa”. "Mặc cảm" này không chỉ xuất phát từ nguyên nhân những người được gắn mác nghệ sĩ nhưng thiếu tư cách mà còn nằm ở sự phản ứng dữ dội, hiếu chiến và đôi khi nhẫn tâm của không ít người. Họ là bộ phận góp phần không nhỏ vào sự phổ biến văn hóa và đánh thức khao khát cống hiến của những người làm văn hóa.

Tuy nhiên, hãy nhìn vào cách họ nói và lên án trước các sự kiện văn hóa gần đây để thấy, có thể không ít công chúng của chúng ta đang trở thành nạn nhân của những phản ứng tâm lý gay gắt từ chính mình. Họ sẵn sang tham chiến và đánh đổ tất cả những người không đồng ý kiến, quan điểm  với mình sau đó lên án.

Câu chuyện về đám đông và cách hành xử của họ trước sự kiện ồn ào gần đây: Bé Đỗ Nhật Nam trả lời phỏng vấn trên một đài truyền hình chính là câu chuyện buồn về văn hóa hành xử và phản ứng trước thông tin văn hóa của lớp "công chúng mới".

Trước hết, chúng ta cùng thử nhìn lại sự kiện ồn ào làm náo loạn các trang tin mạng và báo chí của cậu bé 11 tuổi Đỗ Nhật Nam suốt những ngày vừa qua. Đã có nhiều người tỏ ý lo ngại, thậm chí lên án, phân tích về nhận thức và cách “ném đá” dữ dội của những khán giả nhận xét Nhật Nam.

Đọc tất cả những bình luận ác ý mang tính chỉ trích, ngùn ngụt “lửa hận” ấy người ta có thể dễ dàng rút ra ngay nhận xét: Thứ nhất, họ đều là người lớn và thứ hai họ là những người lớn thiếu lý trí, đầy hiềm khích, đố kỵ. Tôi đã từng có cơ hội được trò chuyện cùng Nhật Nam ở bên ngoài khi em còn đóng vai trò là một MC của chuyên mục Chúc bé ngủ ngon phát sóng lúc 9h tối trên kênh VTV3.  Theo quan điểm của tôi, đó là "nhân vật đặc biệt" hay nói chính xác là dị biệt và khác thường hơn rất nhiều những cậu bé đồng trang lứa.

Xã hội - Công chúng Việt và văn hóa 'thích' phản ứng

Bé Đỗ Nhật Nam - cậu bé "dị biệt".

Con gà tức nhau tiếng gáy?

Ở Nhật Nam có sự già dặn, chín chắn, tự tin và khả năng ăn nói lưu loát hiếm thấy. Ngoài ra, Nam còn sở hữu một trí tuệ và niềm đam mê không giống bạn bè bên cạnh em. Thay vì mải mê đắm chìm đọc truyện tranh, chơi điện tử, Nam lại ham đọc sách tin học, tiếng Anh và chính trị. Chuyện của Nam sẽ không ầm ĩ đến vậy nếu em không công khai sở thích đó và dẫn nguồn của mẹ: "Mẹ em bảo truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn...".

Xét về lý, tôi đâu thấy có gì sai trong phát ngôn này của một cậu bé "lo chưa tới" mà người lớn, phụ huynh thay nhau lên án Nhật Nam? Xét về tình lại càng hợp lý vì điều đó chứng tỏ Nhật Nam biết nghe lời mẹ và thương yêu mẹ. Nhật Nam cũng không hề vơ đũa cả nắm và rất rõ ràng trích dẫn đó là lời mẹ em dặn. Một đứa trẻ nghe lời mẹ tránh xa những thứ có hại gây ảnh hưởng xấu đến tâm hồn, nhất là trong thời điểm truyện tranh chứa đầy nội dung phản cảm bán đầy rẫy bên ngoài đã sai ở đâu?

Một bà mẹ yêu con, lo lắng cho sự phát triển của con có đáng trở thành người bị lên án ồn ào? Người ta nói, quy chụp Nhật Nam bị đánh cắp tuổi thơ chỉ thông qua một clip phỏng vấn có độ dài hơn 7 phút? Tuổi thơ của những đứa trẻ cứ phải ăn, học, đọc truyện tranh, chơi điện tử mới được coi là hợp lý? Hình như người ta quên mất quá khứ của những thiên tài như Macxim Gorki, Leptonxtoi hay Lỗ Tấn... cũng có rất nhiều điểm tương đồng với Nhật Nam.

Tất nhiên, sẽ là thiển cận khi đem tiềm năng còn bỏ ngỏ của Nhật Nam để so sánh với những nhân vật nổi tiếng ấy bởi em còn quá nhỏ, tương lai vẫn còn là một dấu hỏi lớn phía trước. Nhưng với sự vô tâm, thành kiến từ một bộ phận người lớn theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy" đã khiến cậu bé thực sự vấp phải một cú sốc. Chắc chắn gia đình, cá nhân Nhật Nam sẽ tự đặt ra câu hỏi đã làm gì để trở thành mục tiêu công kích lạnh lùng, nếm trải những trận "mưa đá" thiếu căn nguyên chủ yếu xuất phát từ cái tâm hẹp hòi, thiếu bao dung và đầy ghen tỵ với cả một đứa trẻ của người lớn.

Tôi nghĩ, Nhật Nam có quyền được ngô nghê, thành thật trả lời những câu hỏi mà người lớn dành cho em. Chẳng nhẽ chúng ta lại ghét trẻ em vì chúng nói thật? Và người lớn đang muốn dạy cho trẻ em cách nói dối để làm vừa lòng cái tôi của người khác?

Hãy trở thành công chúng công tâm

Khách quan mà nói, một cậu bé như Nhật Nam sẽ là niềm tự hào của tất cả các ông bố, bà mẹ. Nhưng đứng ở vị trí của họ, nếu biết trước một ngày con trai mình sẽ bị hàng ngàn mũi tên chỉ trích, bị "dìm hàng" không thương tiếc gây hoang mang, chấn động tâm lý bởi những người lớn mù quáng, thiển cận, ghen ngược với cả một đứa trẻ thì chắc chắn họ sẽ bảo vệ Nhật Nam tránh xa bão tố dư luận. Thiết nghĩ, những người lớn hãy luôn xử lý và xem xét mọi việc có lý trí, đừng áp đặt quan điểm của bản thân lên người khác và sẵn sàng đạp đổ người khác chỉ vì họ không giống mình.

Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng, chúng có quyền được hưởng những quyền lợi chính đáng trong thế giới ấy và chúng ta không mong tạo ra hàng ngàn những phiên bản na ná không có sự khác biệt như thế.  Nhật Nam đã buồn và đang buồn nhưng nếu những người lớn biết dừng lại và soi tỏ hành động có phần quá đáng của mình thì "trẻ con cũng sẽ luôn tha thứ cho lỗi lầm của người lớn" mà thôi.

Đừng gồng mình chạy theo đám đông, cũng đừng đưa ra bất cứ nhận xét hay phát ngôn nào thiển cận. Ranh giới giữa cảm xúc, lý trí và tâm lý adua, hùa theo đa số rất mong manh. Không nên đánh mất chính kiến cá nhân, tự mình tin và ảo mộng về sự tương tác, giống nhau giữa cá thể - tập thể, sợ bị coi là kẻ lạc loài mà trở thành những cái máy phản ứng.

Câu chuyện của Nhật Nam chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện buồn xuất phát từ hành vi phản ứng thiếu công tâm của một bộ phận công chúng. Chúng ta có quyền được nói, được lên án những điều trái mắt của các nhân vật nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta được thoải mái “ném đá” hay công kích dữ dội, thậm chí làm tổn thương người khác chỉ bởi quan điểm không giống số đông của họ. Phản biện hay lên án cũng đều phải xuất phát từ cái tâm, từ mong muốn để phát triển chứ không phải là đạp đổ để chứng tỏ "cái tôi" của riêng mình.  

Đừng mang suy nghĩ cá nhân áp đặt lên người khác

 "Ở xã hội văn minh, chúng ta nên cư xử một cách văn minh. Hãy đặt mình vào vị trí của đứa trẻ để thấy cảm giác như thế nào khi bị xúc phạm. Tôi không kêu gọi lòng từ tâm nhưng xin mọi người hãy coi Nhật Nam như con em mình để có cách ứng xử đúng mực. Đừng mang suy nghĩ cá nhân áp đặt lên người khác. Làm thế không những không chứng tỏ được lòng tử tế mà còn trực tiếp xúc phạm trẻ" (Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa)                                      

Hương Giang           

Phản ứng việc quan chức huyện ủy nhận kỷ luật... nhẹ

Thứ 5, 28/03/2013 | 14:19
Ngay sau khi báo điện tử Nguoiduatin.vn có loạt bài về việc ông Phạm Văn Đào, trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hương Sơn (Hà Tĩnh) lập hồ sơ khống, chiếm dụng đất công trái phép, nhiều cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc.

“Khẩu vị âm nhạc của công chúng trẻ đang có vấn đề”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:40
Ở cái tuổi gần 80, Nguyễn Tài Tuệ vẫn không thôi trăn trở với câu hỏi làm sao để nghệ thuật đích thực luôn được trọn vẹn và toàn bích?

Cư dân mạng rớt nước mắt vì clip tình cha con

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Clip “Silence of love” (Tình yêu câm lặng) là tình yêu cao cả của người cha bị câm điếc dành cho cô con gái đã làm lay động hàng triệu trái tim cư dân mạng. Đó là lời nhắn nhủ các bạn trẻ hãy quan tâm hơn tới cha mẹ, gia đình và những người xung quanh.