Tự cho mình quyền đứng trên pháp luật?

Tự cho mình quyền đứng trên pháp luật?

Thứ 5, 27/10/2016 | 11:07
0
Là những người làm công việc bảo vệ pháp luật, họ không nắm rõ các quy định hay tự cho mình quyền được đứng trên pháp luật?

Một phóng viên bị đánh đập ngang nhiên ngay giữa thủ đô, tại hiện trường một vụ án và ngay trước mặt các nhân viên công quyền mặc cảnh phục, kẻ ra tay đã được thừa nhận là chiến sĩ hình sự. Nhưng cho đến lúc này, chưa ai trả lời được câu hỏi phóng viên này bị đánh vì lỗi gì. Và cần thiết phải nhắc lại: Bị đánh một cách dã man chứ không phải trấn áp, khống chế.

Tất cả những hình ảnh, clip thông tin về sự việc đều cho thấy rằng phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) hoàn toàn không có hành vi nào vượt quá khuôn khổ pháp luật. Đã không có bất kỳ một dây cảnh giới nào được giăng ra tại cầu Nhật Tân (hiện trường vụ việc tài xế một hãng taxi tử vong ngày 23/9). Như vậy nghĩa là Quang Thế cũng như các đồng nghiệp có mặt khi đó đã không phá hoại hiện trường.

Cafe8 - Tự cho mình quyền đứng trên pháp luật?

 Cú ra đòn như phim hành động của một chiến sĩ công an huyện Đông Anh với phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) tại cầu Nhật Tân ngày 23/9. Ảnh: Báo Giao thông.

Một số kẻ đang vô tình (hay cố tình) bẻ cong hướng dư luận, cổ xúy cho hành động tấn công phóng viên của các cán bộ hình sự huyện Đông Anh khi đó. Những kẻ này cho rằng hoạt động báo chí của các phóng viên có thể sẽ xóa đi các dấu vết tại hiện trường vụ án. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, Quang Thế hay tất cả các phóng viên thường xuyên tác nghiệp tại hiện trường đều rất có nhận thức về ranh giới của mình, họ luôn biết vị trí tốt nhất để vừa có được những thông tin phục vụ quần chúng, vừa phối hợp với lực lượng điều tra.

Trong khi đó, cách mà đội hình sự huyện Đông Anh hành động lại không cho thấy một sự chuẩn mực. Đầu tiên phải kể tới ông “dân” nào đó mặc áo trắng, đội chiếc mũ bảo hiểm lệch theo kiểu anh chị chợ búa, khệnh khạng, và liên tục có hành vi xô đẩy, gây hấn với phóng viên. Chính các nhân viên quân lực mặc cảnh phục cũng đã lên tiếng yêu cầu ông “dân” này và một số người xung quanh rời ra chỗ khác theo ghi nhận của clip, nhưng kết thúc là cú đập tay hằn học của người đàn ông mặc thường phục tự giới thiệu một cách không rõ ràng là cán bộ “Mày muốn gì?”.

Thưa các cán bộ hình sự huyện Đông Anh, các phóng viên, nhà báo, luôn chỉ muốn có được những thông tin chính xác, minh bạch và đầy đủ nhất để phục vụ cho nhu cầu thông tin của nhân dân. Họ có mặt ở hiện trường để thực hiện quyền tác nghiệp của báo chí chứ không muốn nhận cú đấm, cú đá có nghề, hành động gây hấn hay muốn có thêm một vài “ông bố” như cách các anh tự xưng trong lúc tấn công phóng viên Quang Thế. Những ai đã xem clip đều cảm thấy bị xúc phạm.

Có một điều cần thiết phải nói ở đây là nhận thức về pháp luật ở cả hai phía, Quang Thế và các đồng nghiệp có mặt tại hiện trường hiểu rõ công việc của lực lượng Công an, họ tôn trọng nhiệm vụ của lực lượng công an và không có lời nói hay hành động nào gây cản trở. Thế nhưng các chiến sĩ hình sự thì khác, đánh người vô tội ngay giữa ban ngày, lăng mạ, xỉ nhục, tiếp tục gây hấn ngay cả khi về trụ sở Công an huyện. Là những người làm công việc bảo vệ pháp luật, họ không nắm rõ các quy định hay tự cho mình quyền được đứng trên pháp luật?

Từ bao giờ mà những người lính hình sự được đào tạo một cách bài bản lại có thể vung tay, vung chân với người khác chỉ vì “áp lực công việc”, “tuổi đời còn trẻ” bằng một “thái độ không đúng” như cách mà vị Đội trưởng Đội CSHS huyện Đông Anh, Thượng tá Phạm Nam Thắng chống chế? Những phóng viên, nhà báo chỉ có duy nhất chiếc máy ghi hình để bảo vệ mình, các anh đã đập nó. Phóng viên Quang Thế đang đại diện cho một cơ quan thông tin đại chúng còn không biết phải làm gì trước những người lực lưỡng hung hăng đòi tấn công, nếu đó là một người dân thì chuyện sẽ ra sao? Có quá nhiều vụ việc làm xấu đi hình ảnh người Công an nhân dân mà người viết cho rằng không cần phải liệt kê ở đây.  

Thực tế, người dân trên cả nước cần được thấy những hành động thiết thực hơn của các vị lãnh đạo Công an huyện Đông Anh nói riêng và toàn ngành Công an nói chung, để con sâu không bỏ rầu nồi canh. Chứ không phải trông chờ vào những lời bao biện ngô nghê như của Thượng tá Phạm Nam Thắng. Bởi câu chuyện xảy ra trên cầu Nhật Tân đã gần như ngay lập tức phá vỡ hình tượng của người chiến sĩ hình sự, vốn thầm lặng nhưng luôn được xã hội tôn vinh.

Vũ Khoa

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.