Con đường đưa pháo hoa trở thành văn hoá chào năm mới

Con đường đưa pháo hoa trở thành văn hoá chào năm mới

Thứ 4, 02/01/2013 | 09:12
0
Ngày nay, bắn pháo hoa đêm giao thừa để tiễn năm cũ, đón chào năm mới đã trở thành thông lệ phổ biến tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, trong những ngày lễ lớn, những dịp kỷ niệm ý nghĩa, pháo hoa cũng được bắn lên bầu trời, tạo nên những cảnh đẹp kỳ thú làm say đắm lòng người.

Trung hoa cổ đại: Cha đẻ của thuốc súng, cha đẻ của pháo hoa

Các ghi chép lịch sử đều khẳng định rằng, pháo hoa bắt đầu xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, được phát minh bởi người Trung Quốc, không lâu sau khi họ phát minh ra thuốc súng. Nhưng phải đến thế kỷ thứ X sau Công nguyên, pháo hoa mới bắt đầu được người Trung Quốc cổ đại sử dụng phổ biến trong dịp mừng năm mới và các lễ kỷ niệm quan trọng khác. Dựa trên các ghi chép, mô tả lịch sử của thời kỳ này, người ta có thể hình dung ra rằng, pháo hoa thời bấy giờ của người Trung Quốc còn rất sơ khai. Chúng giống với pháo nổ nhiều hơn là pháo hoa hiện đại ngày nay.

Xã hội - Con đường đưa pháo hoa trở thành văn hoá chào năm mới

Những quang cảnh kỳ vĩ làm say đắm lòng người do pháo hoa tạo nên

Mãi đến đầu thế kỷ XII, tầng đẩy của pháo hoa mới được người Trung Quốc nghĩ ra. Họ thêm thuốc phóng vào trái pháo, giúp đẩy nó lên cao trước khi phát nổ. Những tia sáng rực rỡ, lung linh vẫn chưa được tạo ra, sau tiếng nổ của thuốc súng vẫn chỉ là màn khói trắng và một chút đốm lửa. Dù thô sơ như vậy, người Trung Quốc vẫn rất hoan hỷ và tự hào về phát minh này của mình. Họ cũng có quyền tự hào vì đã khởi xướng cho phong tục bắn pháo hoa vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới. Dần dần, pháo hoa được người Trung Quốc bắn vào tất cả các sự kiện quan trọng trong năm: Lễ đăng quang của một vị vua mới, lễ cưới của con cái các vị quan lớn và nhà giàu, lễ hội địa phương. Từ chỗ chỉ dành cho vua chúa và giới quý tộc, pháo hoa được sử dụng một cách đại trà trong dân gian: Cưới hỏi, ma chay, lễ thôi nôi của trẻ nhỏ, khai trương cửa hiệu… Người Trung Quốc tin rằng, pháo hoa có thể giúp xua đuổi linh hồn ma quỷ, đem lại sự yên lành và thịnh vượng cho con người. Còn việc đốt pháo hoa trong đám tang được một học giả Trung Quốc cổ đại lý giải rằng, điều đó sẽ giúp đưa linh hồn người chết đến miền cực lạc, sống cuộc sống thần tiên.

Là một nền văn hóa lớn ở phương Đông, có sức ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia láng giềng, nên không khó hiểu khi pháo hoa của Trung Quốc nhanh chóng được lưu truyền sang hàng loạt những nền văn hóa khác. Ấn Độ, Việt Nam, Mông Cổ đều xuất hiện tục bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa để tống cựu nghênh tân, xua đi những u tối, buồn phiền như những đêm đông dài giá lạnh của năm cũ, đón năm mới với mùa xuân tươi đẹp, mang lại nhiều may mắn cho con người. Quan điểm pháo hoa giúp cầu tài, cầu lộc của người Trung Quốc cũng được đón nhận. Các nước láng giềng cũng bắn pháo hoa vào tất cả các dịp hội hè, kỷ niệm quan trọng trong năm. Nhưng tất cả vẫn chỉ là một tiếng nổ khô khốc, kèm theo một đám khói mù mịt đất trời cùng dăm ba đốm lửa. Trong suốt nhiều thế kỷ, trình độ của pháo hoa Trung Quốc vẫn dậm chân tại chỗ, không khá hơn khi mới được phát minh ra là bao.

Xã hội - Con đường đưa pháo hoa trở thành văn hoá chào năm mới (Hình 2).

Những quang cảnh kỳ vĩ làm say đắm lòng người do pháo hoa tạo nên

Người phương Tây nâng pháo hoa thành nghệ thuật

Trong lịch sử, có nhiều phát minh xuất phát từ phương Đông, nhưng phải đến khi du nhập vào phương Tây, chúng mới được hoàn thiện để con người có thể sử dụng cho đến tận ngày nay. Pháo hoa chính là một ví dụ. Nhà thám hiểm lừng danh Marco Polo trên con đường đi tìm thuộc địa mới cho các triều đại phong kiến châu Âu đã dừng chân tại Trung Quốc. Quốc gia này quá mạnh để có thể thu phục làm thuộc địa, chính họ cũng đang có cả tá các nước chư hầu. Bù lại, ông đem về cho châu Âu từ đất nước xa xôi này một thành tựu vô cùng mới mẻ: Pháo hoa. Năm 1292, sau chặng hành trình dài dọc theo Con đường tơ lụa, pháo hoa lần đầu tiên đặt chân đến nước Ý  quê hương của Marco Polo.

Sự xuất hiện của nó đã gây một tiếng vang lớn, khiến cả châu Âu sững sờ. Họ chưa từng biết đến một thứ gì tương tự trước đó. Ghi chép của các nhà sử học Ý cho biết, đó là thời điểm gần sát lễ Giáng sinh. Những trái pháo hoa mang về từ Trung Quốc được Marco Polo cho bắn ngay lập tức gây nên một cơn chấn động cho người Ý. Vô cùng phấn khích, nhà thám hiểm đồng thời là thương gia có hạng này lệnh cho nhóm thợ người Trung Quốc mà ông đã mua, đem về cùng với số nguyên liệu, bắt tay vào sản xuất hàng loạt những trái pháo hoa khác. Người Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên đón Giáng sinh bằng pháo hoa, và sau đó ít ngày, họ lại tiếp tục đón năm mới bằng những màn khói và đốm lửa trên bầu trời vào đêm Giao thừa. Phong tục đón năm mới bằng pháo hoa đã từ Trung Quốc lan đến Ý, tỏa đi khắp châu Âu rồi toàn thế giới theo cách như vậy.

Nhưng sau những phấn khích ban đầu, khi yếu tố lạ lẫm, bất ngờ đi qua, người châu Âu bắt đầu nhận ra những điểm yếu của pháo hoa Trung Quốc. Bằng con mắt của khoa học kỹ thuật, không khó để những người Ý, Đức nhận ra rằng, pháo hoa Trung Quốc còn có thể đẹp hơn nữa. Dựa vào kỹ thuật do nhóm thợ Trung Quốc truyền lại, những nhà sáng chế phương Tây liên tục cải tiến và cho ra đời những loại pháo hoa đẹp hơn. Pháo hoa Trung Quốc khi sang châu Âu dù đã có thể bay lên nhờ thuốc phóng, nhưng hình dạng cục mịch của trái pháo khiến chúng không thể bay cao. Chính người Ý đã thay các vỏ pháo bằng tre, trúc dày và nặng bằng một lớp vỏ giấy nhẹ nhàng hơn, có chiều dài lớn hơn hẳn đường kính. Với mong muốn trái pháo bay cao hơn, người Ý lấy ý tưởng từ mũi nhọn và cánh đuôi của mũi tên, thêm những chi tiết tương tự vào pháo hoa. Các chất muối vô cơ được thêm vào trong khi thuốc nổ thì bị rút bớt đi. Pháo hoa châu Âu đã có thể bay cao hơn, nổ nhỏ hơn, ít khói hơn pháo hoa Trung Quốc. Ngược lại, khi cháy, chúng sinh ra nhiều ánh lửa hơn, những ánh lửa này cũng tồn tại lâu hơn, khiến người xem có đủ thời gian chiêm ngưỡng trước khi chúng phụt tắt.

Xã hội - Con đường đưa pháo hoa trở thành văn hoá chào năm mới (Hình 3).

Bên trong một trái pháo hoa hiện đại

Tuy nhiên, những ánh lửa này vẫn đơn điệu với hai màu vàng và trắng. Màn trình diễn đầy sắc màu của pháo hoa vẫn là thách đố cho các nhà chế tạo thời bấy giờ. Quan sát một số đám cháy trong tự nhiên, người châu Âu thấy có những lúc xuất hiện những ánh lửa xanh, đỏ, tím, vàng lung linh rất đẹp. Họ biết có một số chất nào đó khi cháy đã tạo ra cảnh tượng đẹp mắt này. Nếu có thể tìm ra chúng và đưa vào pháo hoa, loài người sẽ có những đêm hội rực rỡ chưa từng có. Nhưng những hạn chế của "Đêm trường Trung cổ" ở châu Âu đã khiến châu lục này, cũng như toàn thể nhân loại, phải chờ đợi thêm nhiều thế kỷ.

Mãi tới thời kỳ Phục hưng, dưới tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người châu Âu mới tìm ra được hàng loạt các chất tạo màu cho pháo hoa. Các nhà sản xuất pháo hoa thời kỳ này như có phép thuật của thầy phù thủy, họ có thể tạo ra rất nhiều màu sắc rực rỡ theo ý muốn: Ánh sáng vàng có được nhờ cho hỗn hợp nhôm và magiê cháy ở nhiệt độ 1.500 độ C, khi nhiệt độ lên tới 3.000 độ C, màu vàng ấy lại chuyển thành những tia lửa trắng lấp lánh. Màu xanh lá cây do muối bari nitrat tạo ra, còn màu đỏ của muối stronti clorua, muối đồng clorua cho màu xanh da trời, màu đỏ và xanh da trời trộn với nhau tạo nên màu tím còn các ánh màu hồng, da cam thì do bột than cháy sinh ra.

Ngày nay, pháo hoa hiện đại đã được cải tiến nhiều, những hỗn hợp chất cháy tinh tế tạo ra những hiệu ứng hình ảnh, âm thanh đẹp hơn, rực rỡ hơn. Cấu tạo, nguyên lý phát nổ, với sự tham gia của một số loại máy móc cũng cho phép điều khiển, kích hoạt pháo chính xác, an toàn hơn. Ngành công nghiệp sản xuất và trình diễn pháo hoa trên thế giới có giá trị tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Những lễ hội pháo hoa quốc tế cũng được tổ chức, thu hút các bậc thầy về nghệ thuật pháo hoa đến trình diễn, giúp khán giả được thưởng thức những bữa tiệc ánh sáng đầy màu sắc.      

Pháo hoa tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã du nhập phong tục bắn pháo hoa thay cho pháo nổ trong những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, từng bước xây dựng một nét văn hóa mới. Từ năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ hội quốc tế trình diễn pháo hoa Đà Nẵng và bước đầu thu được thành công, đưa cuộc thi lên tầm quốc tế. Được tổ chức thường niên vào dịp 30/4 và 1/5 bên dòng sông Hàn thơ mộng, sự kiện này là một điểm nhấn cho du lịch Đà Nẵng, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố và hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.   

 Thanh Tùng