Chuyện cảm động ở ngôi trường không có giáo viên nữ

Chuyện cảm động ở ngôi trường không có giáo viên nữ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Đã từng có một số giáo viên nữ được phân về trường TH Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) nhưng chưa đầy một tuần, các cô đã nước mắt ngắn, nước mắt dài nhất nhất xin về.

Nhiều người trong số các thầy giáo trẻ cũng "bỏ chạy mất dép" sau một thời gian ngắn lên đây công tác. Ngôi trường chỉ còn lại những người thầy tâm huyết nhất, kiên cường nhất vẫn miệt mài gieo cấy những mùa chữ trên mảnh đất vùng biên.

Xã hội - Chuyện cảm động ở ngôi trường không có giáo viên nữ

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Chiu, người đã tình nguyện ở lại trường sau gần 20 năm gắn bó.

Sau mỗi con chữ là một sự hy sinh

Ngoài một trường trung tâm nằm ở thôn Cà Roòng I, trường TH Thượng Trạch còn có gần 20 điểm trường khác nằm rải rác khắp các thôn bản trong vùng. Trong đó, có những điểm trường nằm sâu hun hút sau những cánh rừng, cách trung tâm ngoài 20 cây số. Để lên đến điểm trường trung tâm, các thầy giáo phải mất nửa ngày chạy xe máy qua con đường 20 lịch sử xuyên rừng Trường Sơn gập ghềnh sỏi đá, vô cùng khó đi nếu không nói là khá nguy hiểm.

Trong số các thầy giáo của trường, ngay cả những tay lái kỳ cựu nhất cũng không tránh khỏi những "vố" ngã xe trầy trật trên đoạn đường này. Có lẽ chính vì thế cho nên, chỉ sau vài năm công tác, trình độ lái xe của các thầy giáo trong trường đều tiến bộ vượt bậc đúng như câu nói đùa của thầy Nguyễn Ngọc Chiu: "Muốn trở thành giáo viên giỏi thì phải lái xe giỏi đã!". Đường vắng lại nguy hiểm nên các thầy thường hẹn nhau ở ngã ba Hoàn Lão rồi đi thành đoàn để có thể hỗ trợ nhau trên đường.

Thầy Chiu kể: "Đấy là đường đã được cải tạo nhiều chứ những năm trước đây, chúng tôi phải đi bộ cả ngày trời mới lên được đến nơi. Nhiều hôm trời tối, vừa mệt vừa không nhìn thấy đường đi, chúng tôi phải ngủ lại trong rừng chờ sáng hôm sau đi tiếp".

Lên đến Cà Roòng I, các thầy lại phải phân công nhau đi tiếp lên các điểm trường ở các bản sâu xa hơn và "đóng đô" ở đấy. Đường lên bản là những lối mòn trơn trượt chỉ rộng vừa đủ cho một bàn chân, ẩn sâu dưới những tán lá rừng rậm rạp, tối om. Khoảng cách từ bản này đến bản kia được tính bằng những con dốc cao quá đầu người, những con suối sâu nước ngập đến rốn.

Nhưng một trong những điều đáng ngại nhất đối với các thầy giáo mỗi khi lên bản có lẽ phải kể đến muỗi và vắt. Chưa ở nơi đâu tôi thấy những loài hút máu ấy lại nhiều và đáng sợ như ở nơi này. Mỗi khi thấy hơi người, chúng lập tức ào ra tấn công như một đoàn quân hung hăng, thiện chiến đã "phục kích" sẵn ở đây hàng thế kỷ. Các thầy chạy không chạy được, tránh không tránh được, chỉ còn nước vừa đi vừa chịu trận để rồi lên đến bản với vô số các nốt đỏ chi chít trên mặt, trên người. Có thầy tối đi ngủ, thấy bùng nhùng trong ống chân, vội châm đèn dầu lên soi mới phát hiện vẫn còn sót mấy con vắt đang cong người trong trạng thái "say máu", toàn thân mọng lên như một khúc xúc xích mọc trên chân mình.

Do đời sống của người dân ở đây còn thấp, chủ yếu là tự cung tự cấp, không có chợ nên mỗi lần về thăm nhà, các thầy lại phải chuẩn bị rất nhiều lương thực, thực phẩm khô mang theo để ăn dần. Đường sá đi lại khó khăn, mỗi tháng chỉ có thể về thăm nhà một lần mà số thực phẩm mang theo thường chỉ đủ dùng cho 1 - 2 tuần nên những ngày cuối tháng, bữa cơm của họ chỉ có độc một món rau rừng. Mỗi khi mưa bão đến, những con suối thường xuyên dâng cao, nước chảy cuồn cuộn như thác lũ bao vây tứ phía, nhiều thầy giáo bị "kẹt" lại trên bản không sao về được. Gạo hết, thức ăn không có, ngày ngày họ phải cùng dân bản đối mặt với cái đói quay quắt, với những trận sốt rét rừng vật vã từng cơn.

Thầy Nguyễn Văn Phụng tâm sự: "Những ngày như thế, chỉ cần kiếm được cái măng rừng hay miếng sắn luộc chấm với muối ớt mà ăn đã là một niềm hạnh phúc lớn".

Những trường học gọi là trường nhưng chỉ là những "túp lều" tranh tre mái lá được các thầy giáo cùng trai tráng trong bản dựng lên, không đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Năm 2008, tại điểm trường ở bản Nồng, một trong những ngôi trường ọp ẹp như thế đã bị bão đánh sập trong khi giờ học đang diễn ra. Vì trường chỉ là những phên tre, nứa vốn là những chất liệu nhẹ ghép lại với nhau cho nên cả thầy và trò tuy bị

"vo tròn" bên trong cùng bàn ghế, sách vở nhưng không có ai bị trọng thương. Nơi ở của thầy giáo chính là một góc nhỏ được ngăn ra trong lớp học, vừa để nấu nướng, ăn uống, ngủ nghỉ. Mỗi khi gió mạnh thổi qua, cả ngôi trường lại rung lên kẽo kẹt khiến người ngồi bên trong có cảm giác như thể mình đang lắc lư theo gió. Mỗi khi trời mưa, nước hắt tứ phía, ngồi trong nhà chẳng khác ngoài sân. Những đêm đông giá rét, gió lùa qua phên nứa lạnh thấu xương, các thầy phải đốt lửa rồi nằm ngay bên cạnh mà vẫn không thấy ấm. Sống trong những hoàn cảnh như vậy, có lẽ tất cả chúng ta đều hiểu được lý do vì sao không có cô giáo nào trụ được ở nơi này quá 7 ngày.

Những mảnh ghép tình yêu nơi biên giới

Ở chốn rừng thiêng nước độc này, cuộc sống của con người dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Không điện đèn sáng rực, không ti vi, điện thoại, quán xá, bạn bè... Mỗi khi đêm xuống, những thầy giáo "cắm bản" chỉ còn biết bầu bạn với ánh đèn dầu leo lét, ánh trăng suông hoặc những cơn mưa rừng buồn miên man lẫn trong tiếng côn trùng rì rầm như càng khoét sâu thêm nỗi nhớ. Nhất là với những thầy giáo trẻ mới lên nhận công tác như anh Năm, anh Thành... chưa quen với cuộc sống xa nhà.

Ở chốn rừng thiêng nước độc đêm lại càng dài và nỗi buồn, nỗi nhớ lại càng quay quắt không nguôi, nhiều đêm nằm không ngủ được, nước mắt tự nhiên rơi. Cũng không ít các thầy giáo, sau một thời gian "cắm bản", khi trở về chỉ còn biết im lặng nhìn người yêu đi lấy chồng. Nhưng bằng một sức mạnh phi thường nào đó, họ đã biến những đêm dài thương nhớ thành tình yêu công việc, tình yêu bản làng, nơi có những người dân nghèo thật thà, tốt bụng, những đứa bé hồn nhiên, trong sáng.

Xã hội - Chuyện cảm động ở ngôi trường không có giáo viên nữ (Hình 2).

Thầy giáo Hoàng Đức Cường đang gõ kẻng vào lớp.

Công việc của những thầy giáo nơi đây không đơn giản chỉ là việc dạy học mà còn rất nhiều những công việc không tên khác. Với dân bản, họ vừa là một thầy giáo, một người con lại vừa như một nhà cố vấn giàu kinh nghiệm. Mỗi khi gặp chuyện gì khó khăn, khúc mắc, dân bản lại tìm đến nhờ thầy giáo giúp đỡ. Đến mùa giáp hạt, nhiều học sinh phải nghỉ học, lên rừng kiếm cái ăn, thầy giáo lại phải đến từng nhà khuyên nhủ các em đến lớp.

Ở đây, chẳng nhà em nào có đồng hồ cho nên thầy giáo chính là chiếc đồng hồ báo thức gọi các em đến lớp đúng giờ bằng tiếng kẻng sáng sáng của mình. Sau tiếng kẻng, để thêm phần yên tâm rằng tất cả học sinh đều đi học đầy đủ, thầy giáo lại "chạy maratong" một vòng quanh bản để gọi học sinh. Có em đến lớp còn địu thêm em nhỏ, nước mũi nước dãi chảy lòng thòng trên lưng chị, nhìn đến thương. Nhiều khi đứa bé quấy khóc, chị dỗ không được, thầy giáo lại phải "ra tay" làm công việc của một vú em ru bé ngủ để lớp học được tiếp tục.

Học sinh ở đây chủ yếu là con em của đồng bào dân tộc thiểu số người Ma Koong, Vân Kiều, Arem. Các em không biết tiếng phổ thông nên công việc dạy học của người thầy càng khó khăn gấp bội và phương pháp dạy cũng có nhiều điểm đặc biệt hơn so với thông thường. Trước khi nhận công tác, các giáo viên của trường đều phải học tiếng địa phương để có thể nói chuyện với dân bản cũng như dạy các em từ những điều cơ bản nhất.

Điều dễ dàng cảm nhận được ở những thầy giáo trên mảnh đất vùng biên này là sự ấm áp, ân cần toát lên một cách tự nhiên từ chính con người họ. Bởi vì, nếu như không có những điều ấy, có lẽ họ đã không đủ kiên trì để tiếp tục công việc đầy khó khăn này và cũng sẽ không có những người thầy tình nguyện xin ở lại khi được cấp trên ký quyết định chuyển công tác về thành phố như thầy Nguyễn Ngọc Chiu. Đúng như lời thầy Chiu nói: "Ở đây cái gì cũng thiếu cho nên tình cảm phải thật đầy", ở chốn rừng thiêng nước độc này, người ta sống chủ yếu bằng ân tình sâu nặng dành cho nhau.

Có thể nói, mỗi con chữ đến được với những bản làng vùng sâu xa, hẻo lánh này đều phải trải qua một chặng đường dài đầy gian nan, vất vả, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người thầy tâm huyết. Những người thầy ấy vẫn ngày ngày thầm lặng hy sinh hạnh phúc của riêng mình, quyết tâm mang cái chữ về bản với hi vọng ánh sáng tri thức sẽ mang lại một màu sắc mới tươi sáng hơn cho cuộc sống ở nơi này.

Dương Dung