Chưởng môn võ phái Việt – “sư tôn” tây ban cầm

Chưởng môn võ phái Việt – “sư tôn” tây ban cầm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Ông học võ không phải để thành tài nhưng nó lại trở thành cái nghiệp lúc nào không hay. Không những thế người võ sư ấy còn có thú đam mê rất nghệ sĩ.

Vẫn hết sức dẻo dai và tráng kiệt, giọng nói hào sảng, thân hình cao lớn, dáng đi nhanh nhẹn, không ai nghĩ võ sư Nguyễn Tỵ, chưởng môn phái Nam Hồng Sơn, đã ở tuổi 75. Từng ấy năm cuộc đời cũng là ngần ấy năm ông trải qua nhiều thăng trầm cùng nền võ thuật dân tộc. Võ thuật gắn chặt với ông như là ông sinh ra để dành riêng cho nó. Dù đã lui về ở ẩn, lánh xa võ thuật nhưng cây đại thụ này vẫn không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện lần đầu mới kể.

Sự kiện - Chưởng môn võ phái Việt – “sư tôn” tây ban cầm

Hình ảnh đời thường của võ sư, nghệ sĩ guitar Nguyễn Tỵ

“Bố tôi phải dốc cạn tiền mới học được võ”

Được một vị lãnh đạo của Hội võ thuật Hà Nội giới thiệu, chúng tôi tìm đến khu Bạch Mai (Hà Nội) để hỏi nhà võ sư Nguyễn Tỵ. Chúng tôi muốn xin số điện thoại để liên hệ trước nhưng vị lãnh đạo này trả lời: “Võ sư Nguyễn Tỵ già rồi, thuộc lớp người cổ nên không dùng di động. Bạn cứ đến khu Bạch Mai, hỏi nhà thầy Tỵ vừa dạy võ vừa dạy đàn guitar thì ai cũng biết”. Theo sự chỉ dẫn, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà thầy đúng vào giờ cơm trưa. Gác đũa bát sang một bên, thầy Tỵ niềm nở tiếp đón chúng tôi mà không mảy may để ý đến sự làm phiền vô duyên ấy.

Ngôi nhà của ông lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ của phố Bùi Ngọc Dương (Bạch Mai, Hà Nội). Trước cửa treo tờ giấy A4 được ép plastic ghi thông tin “Nhận dạy đàn guitar”, giáo viên: Nguyễn Tỵ. Căn nhà giản dị như chính chủ nhân của nó vậy.

Với chất giọng vang, hào sảng của người học võ, thầy Tỵ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Ông là con trai của lão võ sư Nguyễn Nguyên Tộ, một trong những cây đại thụ của làng võ Bắc Hà nửa đầu thế kỷ 20. Cụ Nguyễn Nguyên Tộ (tức Sáu Tộ) sinh năm 1895 tại làng Văn Hội, xã Bạch Đằng (tỉnh Hà Tây cũ), nay là thành phố Hà Nội. Cụ là con thứ sáu của cụ Nguyễn Khoát, thành phần gia đình thương gia. Cuộc sống gia đình cụ đang yên ổn thì năm 1909 bọn cướp đến cướp phá, lấy đi hết của cải. Bản thân cụ Khoát bị chúng đánh cho đến thập tử nhất sinh. Cuộc sống gia đình trở nên nghèo khó. Cụ Tộ vì thế rất căm phẫn bọn cướp, quyết tâm đi học võ để tự bảo vệ lấy mình và mọi người. Chàng trai Sáu Tộ xin bố mẹ cho ra Hà Nội để sống với người anh thứ tư và được người chủ Pháp chấp nhận cho vào làm tại cơ sở chuyên sửa chữa săm lốp ôtô, ở phố Hai Bà Trưng bây giờ.

Cũng thời gian này, nhiều người Trung Quốc phiêu bạt sang Việt Nam để làm ăn sinh sống, trong đó có một số thầy võ. Họ đến Hà Nội và mở các lớp dạy võ tư. Cụ Tộ tìm đến và xin theo học môn võ Thiếu Lâm Nam phái. Lúc này người Pháp cấm học võ nên những người học phải tập ở những nơi kín đáo, luôn luôn thay đổi địa điểm nên gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Thầy Tỵ kể, hồi đó cụ Sáu Tộ đi làm được 7 đồng thì đóng học phí đã mất 5 đồng. Vậy mà cụ vẫn kiên trì theo học trong suốt 10 năm. Tuy nhiên, học đã lâu mà kiến thức thu nhận chẳng được là bao. Không thể giật gấu vá vai, học kiểu này mãi, cụ Sáu Tộ định bụng xin nghỉ.

“Ông cụ đã dốc cạn tiền để học võ, đến lúc không còn tiền để đóng học nữa thì thầy mới dạy một cách thực sự. Tối đó, sau buổi học, ông cụ gặp thầy để xin nghỉ. Sau khi hỏi lý do, người thầy thử thách ông cụ bằng cách sai đi mua một ấm trà. Lúc đó đã là nửa đêm, ông cụ phải chạy hơn 10 cây số mới tìm được một cửa hàng. Rồi còn phải nói dối là mua cho người bệnh thì người ta mới bán cho. Đó là cái lễ rẻ nhất, thầy Tỵ nhớ lại. Vì mọi ngày, mỗi môn sinh đến học đều phải mang theo một con gà để cúng thổ địa. Sau này, khi đã là học trò ruột, người thầy Trung Quốc mới giải thích cho cụ Sáu Tộ biết: “Thật ra chẳng cúng thần gì hết, môn sinh đến đây học võ đều là đứa nhà giàu. Nó mang gà đến thì thầy trò mình mới có cái để ăn”.

Khi đã nắm được một số vốn về võ học, cụ Tộ thấy cần phải nghiên cứu tìm hiểu thêm về nền võ thuật cổ truyền của đất nước mình. Ở Hà Nội lúc bấy giờ có ba cụ nổi tiếng về tài võ ta là: Ba Cát, Cử Tốn và Hàn Bái. Cụ Sáu Tộ đã nhờ người đứng ra giới thiệu để được tiếp xúc với các bậc tiền bối. Thời gian dài qua lại, cụ Sáu Tộ đã được các đàn anh quý mến và nhận làm anh em kết nghĩa. Cụ Sáu Tộ ít tuổi nhất nên làm em út. Sau nhiều năm luyên tập võ ta, cụ Sáu Tộ đã nắm được cơ bản tinh hoa của hai dòng võ. Nhận thấy sự kết hợp sẽ làm cho võ thuật phong phú, đa dạng hơn, cụ Tộ đa kỳ công xây dựng một giáo trình riêng biệt. Và từ đó, một môn phái mới ra đời. Sau khi hoàn thành giáo trình, băn khoăn mãi, cuối cùng cụ cũng chọn được một cái tên Nam Hồng Sơn với ý nghĩa: Nam là võ Việt Nam, Hồng là thiếu lâm Hồng Gia và Sơn chỉ bề thế của môn phái như một ngọn núi hùng vĩ. Môn phái đã chính thức ra đời năm 1920.

Sự kiện - Chưởng môn võ phái Việt – “sư tôn” tây ban cầm (Hình 2).

Võ sư Nguyễn Tỵ trong một giờ lên lớp.

Học võ như đi chơi

Trải qua hơn 80 năm hình thành và phát triển, ngày nay môn phái Nam Hồng Sơn vẫn giữ được nhiều bài võ cổ truyền đặc sắc thuộc chương trình thi võ của triều Nguyễn. Những đường kiếm nhanh nhẹn và linh hoạt như cuốn lấy thân hình võ sinh, song song với các chiêu thức đối kháng tài tình và uy vũ. Võ thuật của môn phái Nam Hồng Sơn mạnh, có lẽ là vì vậy.

Vốn tư chất thông minh lại có gens võ thuật, dưới sự dìu dắt của người thầy cũng là người cha, cố võ sư Sáu Tộ, năm 17 tuổi, võ sư Tỵ đã mở lớp võ đầu tiên cho tự vệ quê nhà tại huyện Thường Tín, Hà Tây cũ. Chàng thanh niên 17 tuổi cũng đã nhiều lần được cử đại diện để thượng đài và mang vinh quang về cho môn phái. Sau khi cụ Sáu Tộ mất, ông cùng các võ sư khác tiếp tục truyền dạy môn phái Nam Hồng Sơn cho các võ sinh thuộc nhiều lứa tuổi. Đúc kết những tinh hoa võ thuật của ông cha cùng với những kinh nghiệm của mình, võ sư Tỵ luôn sát sao với từng thế hệ môn sinh trong việc truyền dạy và bảo tồn võ thuật dân tộc. Hiện, môn phái Nam Hồng Sơn đang thu hút một số lượng không nhỏ thanh niên nam nữ tập luyện trên hơn 20 võ đường trên địa bàn Hà Nội.

Sự kiện - Chưởng môn võ phái Việt – “sư tôn” tây ban cầm (Hình 3).

Thầy Tỵ đang hướng dẫn phóng viên cách ra đòn hiệu quả.

Võ sư Tỵ chia sẻ, ông học võ cốt không phải để thành tài, học mà như chơi. Cứ học rồi nó thành cái nghề đeo đuổi lúc nào không hay. Nói chuyện với ông, cảm giác trở thành một võ sư dễ dàng lắm. Ông nói, biết các đòn thế là một chuyện, biết cách dùng vào lúc nào lại là một chuyện khác. Để biết ra đòn đúng thời điểm thì phải có người hướng dẫn. Vì vậy, không có ai thành võ sư mà lại không có thầy và cũng không ai có thể thành tài mà không qua luyện tập. Đơn cử như tập bài Long Hổ quyền, các môn sinh phải mất 3 năm chỉ để luyện ngón. Riêng với đòn thế hổ chào, những ngón tay phải cứng như thép thì ra đòn mới có lực mạnh. Vì vậy, các môn sinh phải xòe 5 ngón tay, sục mạnh vào thau cát, đánh đến khi nào 5 đầu ngón tấy đỏ lên mới thôi. Sau khi tập luyện với hố cát, các môn sinh tiếp tục tập với sỏi, cũng với phương pháp cũ. Mỗi ngày tập luyện nhiều lần trong thời gian 3 năm.

Trong buổi nói chuyện, nhiều lần nghe thầy Tỵ nhắc đến võ Sư Chu Tấn Cường, người học trò cưng của ông. Võ sư Cường hiện rất nổi tiếng tại Đức, anh là người nắm giữ 7 kỷ lục Guiness Thế giới về võ thuật. Anh đạt được những thành tích kỳ diệu, trở thành một hiện tượng của võ thuật Á Đông. Võ sư Tỵ giờ không còn đứng lớp, ông những mong học trò của mình luôn cố gắng để truyền lại cho các thế hệ sau những kho tàng văn hóa đẹp, những tinh túy của cha ông đúc kết truyền đời qua các bài võ.

“Bí kíp” tăng cường sức mạnh

Khi chúng tôi hỏi thầy Tỵ, liệu Nam Hồng Sơn có “bí kíp” nào để giỏi võ nhanh không, thầy Tỵ bật cười. Thầy nói, muốn giỏi võ thì phải có sức mạnh, một cậu nhóc 12 tuổi dù có giỏi võ đến đâu cũng khó mà đấu được với một thanh niên sức dài vai rộng. Muốn luyện được sức mạnh thì có một bí kíp: “Mỗi ngày bế con bê đi ăn cỏ, chờ nó ăn xong lại bế về. Cứ thế đến lúc con bê thành con bò thì sẽ có sức mạnh của người học võ”. Nói rồi thầy Tỵ giải thích: “Nói thế để các bạn biết rằng muốn thành công thì phải có tích lũy, đặc biệt là với võ thuật, không ai có thể học ngày một ngày hai mà có thể giỏi võ ngay được”.

Trinh Phúc - Thanh Xuân


Tag: Chi Dân