Tình tiết nhói lòng dịch vụ 'mua bán con giống người'

Tình tiết nhói lòng dịch vụ 'mua bán con giống người'

Thứ 7, 09/03/2013 | 09:25
0
Việc tự nguyện hiến tặng trứng cho các phụ nữ không may mắn, giúp họ tìm lại niềm vui, hạnh phúc, thiên chức làm mẹ là một trong những hành vi tương trợ mang tính nhân bản cao nhất. Tuy nhiên, khác với những người hiến tặng tinh trùng, mỗi lần lấy trứng có hại đến sức khỏe của phụ nữ, cũng như sự suy giảm của buồng trứng, nhưng do hoàn cảnh éo le, hoặc thiếu hiểu biết nhiều người đã phải bán đi phần máu thịt của mình, để mưu sinh trang trải cuộc sống.

Chạm mặt "dân phe... XX"

Không giống như tinh trùng, ở người mỗi phụ nữ, theo quy luật sinh học, cứ một chu kỳ, tương đương trên dưới một tháng chỉ có 1 hoặc 2 quả trứng rụng. Và những quả trứng đó đã có thể góp phần tạo nên một mầm sống, mang lại niềm hạnh phúc cho người phụ nữ, cho một gia đình, hơn nữa đó có thể là hạnh phúc của cả một dòng tộc. Với mục đích đó, hiến tặng trứng là một nghĩa cử mang tính nhân đạo. Nhưng việc lấy trứng không đơn giản như tinh trùng, nhiều người do hoàn cảnh éo le và trong đó có cả những dân chơi có sức khỏe tốt, lười lao động họ đem bán phần máu thịt của mình, lấy tiền để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, vật chất tầm thường.

Trong bài báo này người viết chỉ đề cập đến những người phải đi bán trứng do hoàn cảnh éo le, do sự hiểu biết có hạn, vì lẽ đó họ không chỉ bị chủ môi giới ăn chặn tiền, mà họ còn bị bóc lột về thể xác đến tận xương tủy.

Xã hội - Tình tiết nhói lòng dịch vụ 'mua bán con giống người'

Trong vai một người cần mua trứng, tôi tìm đến cổng viện sản Trung ương, số 43 Tràng Thi, Hà Nội. Gặp người bán nước ở cổng viện, người này cho hay: "Tại cổng viện, ngày nào cũng có người rao bán trứng, họ đều bảo do hoàn cảnh, người thế này, người thế khác, chẳng biết đằng nào mà lần. Nếu chị cần mua tôi giới thiệu người bán cho". Lân la qua bà bán nước, tôi đã có cuộc tiếp xúc với dân môi giới "con giống người XX" (trứng). Người phụ nữ xưng tên V. trạc 40 tuổi, được cho là đầu nậu mua bán trứng và tinh trùng.

Trước khi đặt mua "con giống XX" tôi hỏi bà V. để biết về nhân thân người phụ nữ bán trứng như họ làm nghề gì, quê quán ở đâu, bao nhiêu tuổi? Ngước đôi mắt mở rộng trên khuôn mặt tròn trịa khá phúc hậu, bà V. đáp: "Cô này tên T. quê ở Vĩnh Phúc, năm nay 25 tuổi. Em biết đấy gái Vĩnh Phúc đại đa số là xinh gái, ăn nói nhẹ nhàng". Tôi đáp: "Vâng vậy là tốt rồi, thế giá trứng thế nào?" - "Về giá thì mỗi lần lấy trứng ra khỏi cơ thể (chọc trứng) giá khoảng 35 triệu đồng, nhưng chị lấy 30 triệu đồng thôi còn lại em chi lệ phí khi lấy trứng" - "Lệ phí gì chị?", tôi hỏi? Bà V. tiếp: "Còn tiền tiêm thuốc kích trứng chứ đâu phải đưa người vào là lấy được trứng ngay đâu em, phải làm các thủ tục, xét nghiệm xem trứng đã đến kỳ chưa (đến ngày trứng rụng). Nói thật với em mình mua như thế này lợi vô cùng, bởi khi tiêm thuốc kích trứng sẽ có nhiều trứng phát triển cùng một lúc, tăng kích thước, bác sĩ sẽ hút hết những quả nào đạt kích thước, có bao nhiêu thì mình lấy hết, thoải mái dùng. Mang tiếng là mua một quả nhưng ít nhất cũng phải được vài quả, bởi vì không ai dám chắc 1 phôi trứng mà thành công được. Chính vì thế mà người ta phải tiêm thuốc kích trứng, lấy trứng cho đủ  - 5 phôi để dùng dần...".

Nghe bà V. nói tôi thật sự sốc bởi cùng là con người, thì máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Trớ trêu thay cũng kiếp người, cùng là phụ nữ, nhưng tôi không thấy có chút biểu hiện, cảm thông hay xót xa, trên khuôn mặt khá phúc hậu của bà V. khi nói về việc lấy trứng ra khỏi cơ thể người phụ nữ.

Sau màn bà V. tư vấn những gì có lợi nhất cho tôi, tôi hẹn bà V. ngày hôm sau sẽ tới để gặp mặt người bán trứng...

Khi thực hiện loạt bài này, gặp những sự trùng hợp ngẫu nhiên tôi luôn thắc mắc: Liệu có hay không, sự "huấn luyện", thông đồng giữa bác sĩ và dân phe "con giống người"? Vì một người như bà N. (đã nói đến ở kỳ 1) và bà V. không qua đào tạo, không phải là bác sĩ, lại tinh thông am hiểu tường tận những ngôn từ chuyên môn về hỗ trợ sinh sản? Chỉ có điều khác bà N. là phe gần bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, còn bà V. là đầu nậu tại cổng viện Phụ sản Trung ương Hà Nội.

Xã hội - Tình tiết nhói lòng dịch vụ 'mua bán con giống người' (Hình 2).

Nhiều bệnh nhân hiếm muộn tìm đến bệnh viện Phụ sản Trung ương với hy vọng có được mụn con. Ảnh  Bảo Lâm.

Xót xa những mảnh đời kém may mắn

Đúng hẹn, sáng 27/2 tôi đến gặp bà V.. Đúng như bà V. nói, người phụ nữ cần bán trứng tên T. có khuôn mặt trái xoan, nước da tái xanh, nhưng vẫn toát lên vẻ ưa nhìn của một cô gái đang còn tuổi xuân thì. Qua trò chuyện, tôi biết được T. thuê nhà ở sau ga Trần Quý Cáp, gia cảnh  T. rất éo le, cha nằm viện, con còn nhỏ lại hay đau ốm luôn. T. thổ lộ: "Ở quê em làm ruộng chẳng đủ ăn, nay cha em lại nằm viện, hai vợ chồng em cùng nhau lên đây thuê nhà, làm thuê làm mướn. Cực chẳng đã em phải đi bán trứng, mỗi lần chọc trứng em đau đến tận óc, em đã phải bán trứng của mình lần này là lần thứ 3. Những gì trải qua khiến em ngày càng trở nên buồn bã, u sầu". Sau câu nói đó T. im lặng, đôi mắt đỏ hoe, tôi hiểu đó là cảm giác đau đớn tột cùng về cả thể xác và tinh thần của T. Trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt, éo le, nên họ mới phải bán đi phần máu thịt của mình để lấy tiền trang trải cuộc sống.

Quay ra phía bà V. tôi do dự hỏi: "T. đã bán nhiều lần như vậy liệu đến đợt bán cho em có đảm bảo chất lượng trứng không? Bà V. nhanh nhảu đáp: "Em cứ lo vớ lo vẩn, em biết cô Mai ở Ba Vì (Hà Nội) bán đến lần thứ mấy không? 5 lần bán trứng để có tiền thụ tinh trong ống nghiệm, vừa rồi cô ấy đẻ sinh đôi hai cậu con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh. Em vào hỏi bác sĩ ai cũng biết trường hợp đó". Tôi bỗng thấy rùng mình.

Lang thang mấy ngày ở cổng viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, tôi gặp rất nhiều chị em hiếm muộn đi chữa vô sinh. Và quả thật xót xa khi ông trời sinh ra họ là phụ nữ nhưng lại tước đi thiên chức làm mẹ. Chị Nguyễn Ngọc Thúy, ở Hải Dương cho biết, do cơ địa chị không thể thụ thai trong tử cung được, bác sĩ tư vấn nên làm thụ tinh trong ống nghiệm. Và đến nay chị đã thực hiện 4 lần thụ tinh trong ống nghiệm, mỗi lẫn ngót 100 triệu đồng, nhưng cả 4 lần đều hỏng cả. Chị Thúy tâm sự: "Tính đến nay tôi đã làm thủ thuật chọc trứng lần này là lần thứ 5, mặc dù đã tiêm thuốc tê, nhưng tôi vẫn thấy đau nhói lên đến tận óc, giựt đến đâu tôi biết đến đó. Bốn lần trước đều bị hỏng, hy vọng lần này điều tốt lành sẽ đến với gia đình bé nhỏ của tôi. Tôi sẽ làm đến bao giờ được thì thôi, nếu hết tiền thì đi vay, bao giờ không ai cho vay thì mình mới chịu từ bỏ, nhất quyết không mua trứng của người khác".

Khác với chị Thúy, chị Nguyễn Thị H. 35 tuổi ở Thụy Khuê (Hà Nội), lấy chồng đã được 7 năm, nhưng vẫn chưa có được mụn con. Do buồng trứng của chị H. có vấn đề, nên chị phải đi mua trứng của người khác. Chị H. cho biết: "Tôi làm ba lần ở bệnh viện Từ Dũ, nhưng không được, tổng chi phí cả tiền mua trứng và đặt ống nghiệm ngót nghét nửa tỉ đồng. Bây giờ tôi lại quay ra viện Phụ sản Trung ương làm. Ra ngoài này mua trứng đã khó khăn, đến khi đặt ống nghiệm cũng phải chờ đợi lâu lắm. Tôi chờ đến nay đã gần 5 tháng rồi mới đến lượt, không biết cái phôi của tôi để trong đông lạnh lâu như vậy có ảnh hưởng gì không?" - ánh mắt chị H. thoáng buồn trên khuôn mặt tiều tụy vì âu lo.                                             

Dùng thuốc kích trứng rất hại cho sức khỏe

Bác sĩ Đỗ Bình Trí - Phó giám đốc bệnh viện Sản nhi Bắc Giang cho biết: Nếu phụ nữ không may bị cắt buồng trứng, họ mong mỏi có con thì thân nhân của họ, chị em, cô dì giúp cho người đó có con là mục đích nhân đạo. Nhưng nếu phụ nữ chuyên bán trứng, dùng thuốc kích trứng, vì nghĩ rằng mỗi tháng có 1 quả trứng rụng nếu không dùng thì cũng lãng phí đó là quan niệm sai lầm. Thường thường mỗi lần chọc trứng người ta tiêm thuốc kích thích cho trứng phát triển, để đạt kích thước có thể thụ thai được, điều này không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn làm giảm tuổi thọ của buồng trứng. Nếu người cho trứng có nội tiết tốt, không dùng thuốc kích trứng, chỉ cho trứng một lần thì không ảnh hưởng nhiều.  

Phóng sự điều tra của Thu Hà

Kỳ 3: Ám ảnh pha "giúp đỡ... trực tiếp" và hệ quả từ hôn nhân cận huyết thống

Chuyện khó tin của cò... 'trứng người' ở bệnh viện

Thứ 5, 07/03/2013 | 14:01
Mỗi lần bán trứng, số tiền thu về khoảng vài chục triệu đồng. Nhưng người bán trứng cũng vất vả không kém người nhận trứng, thậm chí gặp nguy cơ bị sốc khi chọc trứng.

Đột nhập 'đại bản doanh mua bán... con giống người'

Thứ 4, 06/03/2013 | 16:37
Ước muốn có con là điều chính đáng, thiêng liêng của mỗi người ở độ tuổi làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe, tuổi tác, bệnh tật... v.v, nhiều người đã không thể tự sinh con hoặc có con.

Dễ như mua... tinh trùng người nổi tiếng

Thứ 2, 25/02/2013 | 19:09
Công ty Fame Daddy (Ông bố nổi tiếng) có trụ sở tại London (Anh) vừa tuyên bố sẽ là ngân hàng tinh trùng đầu tiên phục vụ những phụ nữ muốn con mình mang dòng máu của một ông bố nổi tiếng ẩn danh nào đó.

Mua bán tinh trùng, phạm pháp và rước họa HIV

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
"Người nhận tinh trùng nếu không qua các khâu kiểm tra, xét nghiệm chặt chẽ từ người cho thì có thể đứng trước nguy cơ mắc các bệnh như HIV, con sinh ra có thể mắc các bệnh di truyền...", bác sĩ Lê Tấn Cảnh, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ cho biết.

Góc khuất của những chàng rao bán tinh trùng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Một đêm, đang mò mẫm lang thang trên mạng, tôi truy cập vào diễn đàn trên trang web hiemmuon..., phát hiện ra có rất nhiều người rao bán... tinh trùng. Bất ngờ và có chút tò mò, tôi bấm vào google, tìm kiếm bán tinh trùng, nhiều lời rao cùng nội dung hiện lên.