Câu chuyện miếng ăn và những “cú đá” trách nhiệm

Câu chuyện miếng ăn và những “cú đá” trách nhiệm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Càng gần Tết Nguyên đán, người dân lại canh cánh nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là sau hàng loạt vụ thực phẩm "bẩn" được cơ quan chức năng phát hiện, cũng như tình trạng gà thải loại Trung Quốc, gà nhập từ Hàn Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam thời gian gần đây.

Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đáng - nguyên cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế).

Tết này người dân ăn gì?

Thời gian vừa qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân vì những mối nguy hại tiềm ẩn của nó. Ông có thể "bắt mạch" thị trường thực phẩm hiện nay?

Đúng là vấn đề ATVSTP hiện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Ô nhiễm hóa chất thực phẩm rất cao, đặc biệt là nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt, cá, thủy sản... Dư lượng về hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng, phooc môn, kháng sinh làm cho người dân lo lắng không biết mua cái gì, ăn cái gì và mua ở đâu, sử dụng ra sao. Vấn đề thực phẩm nhập lậu hay nhập về chưa được kiểm soát, từ vật tư nông nghiệp cho đến thực phẩm độc hại cũng rất đáng quan tâm. Hơn nữa, thực phẩm ở nước ta 2/3 là nuôi trồng không công nghiệp, các lò giết mổ nhỏ lẻ, chế biến thủ công.

Xã hội - Câu chuyện miếng ăn và những “cú đá” trách nhiệm

Hơn 1 tấn nội tạng thối được tuồn vào TP.HCM từng bị bắt giữ.

Theo quan điểm của tôi, hiện người tiêu dùng đang phải đối mặt với mối nguy hại từ thực phẩm không an toàn là rất lớn, ví dụ: Thịt thối được ngâm tẩm hóa chất hàm lượng cao nếu lọt ra thị trường còn có nguy cơ ô nhiễm độc tố (độc tố tụ cầu vàng đun sôi ở 100oC trong vài chục phút cũng không chết - PV). Hay kể cả những lô gà thải loại được "tuồn" vào Việt Nam qua kiểm nghiệm có chứa tồn dư kháng sinh, chất độc hại trong khi giá lại rất rẻ; thông tin gà thải loại làm thức ăn cho chó của Hàn Quốc được nhập vào các siêu thị ở TP.HCM làm người dân vô cùng bức xúc.

Ông vừa nhắc đến gà thải loại "vô tư" tuồn vào Việt Nam, điều đó chỉ là một minh chứng khi thị trường Việt Nam liên tiếp phải hứng chịu những đòn thực phẩm "bẩn" từ nước ngoài đẩy vào. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Khi còn công tác tại Cục, tôi luôn trăn trở đến điều này. Bây giờ về hưu rồi, tôi lại càng quan tâm đến vấn đề đó hơn. Bởi lúc này, tôi đã trở thành một người tiêu dùng thực thụ. Tôi hiểu người tiêu dùng có tâm lý như thế nào và mong muốn những gì. Quả thật, nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lọt qua rất nhiều khâu kiểm tra, quản lý để nổi trôi trên thị trường và đi vào dạ dày của người dân như thời gian vừa qua là hết sức đáng lo ngại.

Tôi là người có kinh nghiệm, chuyên môn, tôi có thể tránh những nguồn thực phẩm không như thế nhưng người dân thì làm sao họ phân biệt được và cuối cùng, họ là người chịu thiệt thòi nhất. Từ lâu, trong tâm lý tiêu dùng người Việt đã thích "sính" đồ ngoại, nhất là hàng trong siêu thị thì họ lại càng có được một cái cớ để tin các sản phẩm trong đó là "xịn". Tuy nhiên vấn đề ở đây, tôi cho rằng không phải là loại thải hay không loại thải mà quan trọng là hàng có đảm bảo được chất lượng ATVSTP hay không?

Nói như vậy, vấn đề thực phẩm "bẩn" có "lọt" qua khâu kiểm tra, quản lý hay không chứ không phải cứ "thải loại" là không đảm bảo chất lượng?

Về bản chất, hàng từ nhiều nước có nền văn minh là rất tốt, kể cả với họ là bình thường nhưng khi nhập khẩu sang ta vẫn có thể dùng tốt. Do đó, kể cả là hàng thải loại của họ có khi vẫn rất thịnh hành ở Việt Nam nếu như còn hạn sử dụng và đảm bảo ATVSTP. Theo tôi, chúng ta không nên có cái nhìn đánh đồng đối với hàng thải loại của nước ngoài mà phải phân biệt rõ về mặt chất lượng. Không phải cái gì thải loại cũng là không có giá trị hoàn toàn.

Như vậy tiêu chuẩn như thế nào để được gọi là một thực phẩm "sạch"?

Thực phẩm "sạch" là không chứa các tác nhân gây bệnh, ví dụ các tác nhân hóa chất không vượt ngưỡng cho phép, không có tác nhân vi sinh vật như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và độc tố của nó, cũng như không có các mối nghi vật lý, ví dụ như các hạt sạn. Thực phẩm "sạch" phải có cảm quan với người tiêu dùng như: Ăn phải ngon, phải giòn.

Thực phẩm cần mang lại chất dinh dưỡng, năng lượng và cảm quan đẹp. Tôi vẫn còn nhớ, khi còn công tác, chúng tôi đã đến kiểm tra cơ sở sản xuất của Đức Việt. Người ta phải kiểm soát được lợn từ trại chăn nuôi và có hợp đồng với cơ sở chăn nuôi lợn. Người ta nhốt lợn từ 6 đến 24 giờ mới mang ra giết mổ trên dây chuyền giết mổ tập trung công nghiệp, không có chuyện chân đất, không đồng phục, không khẩu trang, không găng tay. Như thế mới được công nhận là đảm bảo ATVSTP.

Ở nước ta hiện nay đang có xu thế kiểm soát thực phẩm ngay từ đầu nguồn. Nếu muốn sản xuất giò thì phải quan tâm người ta nuôi lợn ở đâu, trang trại đó không dùng thuốc tăng trọng, chăn nuôi lợn truyền thống, thức ăn đạt đủ quy định, hoặc tiêm thuốc phòng dịch, phòng bệnh. Kế đó là cho đến cơ sở giết mổ phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Cuối cùng là chế biến không có phụ gia độc hại. Xu thế hiện nay là người ta khuyến khích một mô hình liên hoàn giữa người trồng trọt, chăn nuôi đến cơ sở chế biến và đại lý phân phối sản phẩm.

Tết Nguyên đán đang đến gần, người dân không biết ăn gì, mua ở đâu? Ông có lời khuyên gì để giúp người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm "sạch" cho ngày Tết?

Nhìn chung tại các chợ, kể cả các siêu thị vẫn chưa đảm bảo được ATVSTP. Nhiều nhà sản xuất muốn cho hàng hóa của mình được tươi lâu nên đã sử dụng nhiều loại hóa chất bảo quản ngoài danh mục cho phép. Đây là hiện tượng có thật, không ít loại hoa quả đã được các nhà buôn nhập về rồi đem tẩm ướp hóa chất bảo quản và để trong kho chờ bán vào dịp Tết. Vì vậy, trong khi thị trường thực phẩm Việt Nam chưa kiểm soát được thì người tiêu dùng luôn luôn phải phấn đấu trở thành người tiêu dùng thông thái.

Thực phẩm ăn sẵn hiện nay (như giò chả, bánh chưng và một số thứ khác) cũng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Nguy cơ đầu tiên là do người sản xuất thủ công nhỏ lẻ chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn ATVSTP. Điểm thứ nhất là vì muốn bảo quản lâu nên người ta sử dụng một số chất bảo quản như hàn the, phooc môn... Theo tôi, người tiêu dùng nên dựa vào các tiêu chí để kiểm soát các sản phẩm an toàn. Điều trước hết cần chú ý là: Ngoài sản phẩm ra, chúng ta kiểm tra xem cơ sở đó có được cấp các chứng nhận an toàn về ATVSTP hay chưa. Không nên mua sản phẩm của các cơ sở không có nhãn mác hoặc địa chỉ sản xuất rõ ràng.

Thứ 2, phải biết quan sát sản phẩm đó có đảm bảo được các tiêu chuẩn hay không như nhãn mác, còn hạn sử dụng, có công bố tiêu chuẩn hay không. Những sản phẩm sử dụng trong vòng 24 giờ, tuy luật pháp không quy định phải công bố tiêu chuẩn, nhưng phải có nguồn gốc và bao nhãn chứng minh đây là sản phẩm an toàn. Thứ 3, người tiêu dùng phải trang bị cho mình những kiến thức thông thái từ nhìn bình thường đến cảm quan. Phải nhìn xem sản phẩm đó có hình dáng ra sao, nhãn mác ra sao, màu sắc bao bì hoặc có mùi đặc biệt gì không. Ví dụ như thực phẩm tươi sống gà vịt hay giò chả, người ta có thể sờ vào là biết. Nếu sản phẩm có những dấu hiệu nghi ngờ thì phải lấy mẫu đi kiểm tra.

Xã hội - Câu chuyện miếng ăn và những “cú đá” trách nhiệm (Hình 2).

Trần Đáng- nguyên Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm- bộ Y tế.

Đùn đẩy "quả bóng" trách nhiệm

Thưa ông, chúng ta có luật An toàn thực phẩm, có pháp lệnh ATVSTP và nhiều văn bản hướng dẫn, rồi có ban chỉ đạo liên ngành Trung ương, nhưng vì sao thỉnh thoảng lại bùng lên một vụ thực phẩm "bẩn", thưa ông?

Cái sơ hở hiện nay là quy định trong luật An toàn thực phẩm còn chồng chéo. Trước đây pháp lệnh An toàn vệ sinh thực phẩm và các nghị định hướng dẫn đã tiếp cận gần với thực tế: Chưa thành thực phẩm thì bộ chuyên ngành quản lý, thành thực phẩm thì bộ Y tế quản lý. Nhưng đùng một cái, khi ra luật thì những quy trình này bị mất tác dụng. Chẳng hạn, điều 62 của luật quy định bộ Y tế chỉ quản lý 5 ngành hàng là nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng... Những đồ ăn thức uống hàng ngày, như rau như thịt lại không phải bộ Y tế mà là do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý. Cái gì cũng phải 3 bộ quản lý (Y tế, NN&PTNT, Công thương), một quầy hàng thực phẩm cũng liên quan đến 3 bộ, nhiều nhưng không chặt chẽ!

Điều 65 của luật quy định, chính quyền địa phương chỉ quản lý thức ăn đường phố. Không có ai sâu sát bằng địa phương, lẽ ra việc mất an toàn thực phẩm xảy ra ở địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm, nếu địa phương tích cực sẽ không xảy ra mất an toàn thực phẩm. Vai trò địa phương rất quan trọng. Tôi nhớ trước đây có yêu cầu tuyến phố an toàn thực phẩm ở 6 phường tại Hà Nội, các ông chủ tịch phường vào cuộc thì chất lượng thức ăn đường phố khá hẳn lên. Ở các chợ, ban quản lý cũng phải có trách nhiệm, có hàng hóa kém chất lượng là cách chức trưởng ban quản lý. Nhưng ai làm, ai cách chức, có những vụ vi phạm rõ ràng, công bố rộng rãi còn chưa thấy cách chức người nào!?

Hiện đã có thanh tra vệ sinh thực phẩm nhưng mất an toàn thực phẩm vẫn kéo dài, gây bức xúc cho người dân, ý kiến của ông về vấn đề này?

Thỉnh thoảng lại bùng lên một vụ thực phẩm không vệ sinh, không an toàn, mọi người hay nói đến nguyên nhân khách quan, như sản xuất của chúng ta là nhỏ lẻ, thủ công, có nơi còn lộn xộn, hạ tầng cơ sở của chúng ta còn hạn chế, nhưng đúng là cần phải đề cập trách nhiệm của cơ quan thanh tra chuyên ngành về thực phẩm.

Khi đặt ra vấn đề truy ra nguồn gốc của sai phạm để tìm cách giải quyết cho thấu đáo, các cơ quan chức năng hiện nay thường có thái độ đùn đẩy "quả bóng" trách nhiệm khiến dư luận bức xúc. Ông nhận xét như thế nào về hiện trạng trên?

Luật ATVSTP có hiệu lực là điều tôi đã từng băn khoăn lo ngại và không phải là không có căn cứ. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về cục ATVSTP, bộ Y tế, bộ Công thương và bộ NN&PTNT. Nếu như trước đây cứ giao cho bộ Y tế toàn quyền quyết định thì trách nhiệm rất dễ xác định và người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để xảy ra tình trạng này là quá rõ ràng. Giao quyền quản lý cho nhiều bộ ngành như hiện nay, có nhiều lợi thế vì chia nhỏ sự quản lý như vậy sẽ chi tiết hơn. Nhưng chính đó cũng là mặt trái của vấn đề khi nó sẽ nảy sinh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Tôi nghĩ rằng, cơ quan chức năng nên có cái nhìn thẳng thắn và mỗi bộ nên có tinh thần cầu thị vì lợi ích chung của người tiêu dùng.

Ngăn chặn từ khi nhập khẩu - tức là cục Hải quan phải chịu trách nhiệm trước, khi để lọt hàng "rởm" qua cửa khẩu?

Không đảm bảo chất lượng thì không nên cho nhập. Còn nếu không đảm bảo về ATVSTP thì mình phải loại thải là đương nhiên. Hải quan chỉ là cơ quan đánh thuế, việc kiểm tra chất lượng không phải là chức năng nhiệm vụ của họ mà cần có cơ quan có chuyên môn kiểm định chất lượng. Cơ quan chuyên môn thì cứ theo luật mà truy trách nhiệm, không có gì phải bàn cãi nhiều. Lỗi ở đây là về mặt ATVSTP, cơ quan y tế phải chịu trách nhiệm chính. Cục ATVSTP phải đưa ra tiêu chuẩn, kiểm tra thật kỹ để đảm bảo thực phẩm "sạch" cho đời sống của người dân.

Vậy theo ông, cần phải làm gì để có thể cải thiện tình trạng mất an toàn về thực phẩm?

Theo tôi, cái quan trọng hiện nay là phải có bộ máy hoàn chỉnh từ Trung ương đến tuyến xã. Bộ máy này đủ về số lượng, có năng lực, có trang thiết bị. Thứ hai là hệ thống thanh tra chuyên ngành, có ý kiến thanh tra nhiều thì sợ thế này thế kia, nếu thế này thế kia thì có pháp luật xử lý. Có thanh tra chuyên ngành thực phẩm làm liên tục, thường xuyên, chế tài thật nghiêm, trong chợ có bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn cứ cách chức ban quản lý chợ, làm được như vậy chắc chắn tình trạng mất ATTP sẽ đỡ hơn. Nếu cứ như hiện nay, lâu lâu mới kiểm tra phát hiện sai phạm rồi xử lý (thường là nhẹ, là nhắc nhở); sau đó lại phát hiện sai phạm, lại xử lý, cứ bùng nhùng như thế, "bục" đâu "vá" đấy, không thể giải quyết vấn đề một cách cơ bản được.

Theo quan điểm của tôi, hiện nay chúng ta thiếu những cơ quan chuyên ngành có khả năng "bao sân" về lĩnh vực ATVSTP, thiếu những quy định pháp luật và cơ chế xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.

Xin cảm ơn ông!

Ăn gà thải Trung Quốc có thể làm đột biến gen

Theo đại diện cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), việc sử dụng gà có dư lượng thuốc kháng sinh cao trong thời gian dài có thể làm đột biến gen. Vào đầu tháng 11 vừa qua, cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), đã lấy 14 mẫu gà nhập lậu từ Trung Quốc qua biên giới Lạng Sơn bị lực lượng chức năng bắt giữ (tháng 11), sau đó những mẫu này đã được gửi đi xét nghiệm. Kết quả phân tích cho thấy, 40% số mẫu thịt gà nhập lậu còn dư lượng kháng sinh nhóm Chloramphenicol. Đây là loại kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Ngân Giang (thực hiện)