Cạnh tranh không lành mạnh sẽ 'không còn đất sống'

Cạnh tranh không lành mạnh sẽ 'không còn đất sống'

Thứ 2, 24/04/2017 | 15:45
0
Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ "không còn đất sống". Doanh nghiệp và chuyên gia pháp lý đang rất hào hứng góp ý kiến cho dự thảo luật Cạnh tranh sửa đổi vừa được Bộ Công thương công bố.

Sau 12 năm thực thi luật Cạnh tranh, mỗi năm cục Quản lý cạnh tranh điều tra, xử lý khoảng 40 vụ.

Cụ thể, từ năm 2005-2014, cục Quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra tiền tố tụng 78 vụ việc, điều tra 8 vụ việc trong tổng số gần 70 doanh nghiệp bị điều tra, quyết định xử lý 5 vụ việc với tiền phạt gần 5,5 tỷ đồng.

Riêng lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh, Cục đã tiếp nhận hơn 300 đơn khiếu nại, trong đó quyết định điều tra 137 vụ việc và ban hành 127 quyết định xử phạt. Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, đây là một con số quá nhỏ so với rất nhiều  vụ  tranh chấp liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trên thực tế.

Theo luật sư Nguyễn Tuấn Anh, điểm mới của dự thảo luật Cạnh tranh sửa đổi, đã điều chỉnh cách tiếp cận kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh: Thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường… Đồng thời, bổ sung quy định cấm tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh như vận động, kêu gọi, ép buộc doanh nghiệp tham gia vào thoả thuận hạn chế cạnh tranh, cung cấp thông tin nhằm hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm.

Thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn kinh tế, hiệp hội ban hành quyết định, giá cả để doanh nghiệp thành viên thực hiện. Chính những công ty "mẹ" này giữ vai trò tổ chức, giám sát việc thực thi thoả thuận giữa các doanh nghiệp. Dự thảo đã có những quy định rõ ràng để hạn chế những tác động tiêu cực nói trên.

Ngoài ra, dự thảo trao quyền cho cơ quan cạnh tranh đánh giá việc tác động cạnh tranh, tăng cường chủ động của doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh. Trình tự, thủ tục xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh theo hướng đơn giản, nhanh gọn.

Dự thảo luật Cạnh tranh mở rộng phạm vi áp dụng với cả doanh nghiệp nước ngoài, hiểu theo nghĩa được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài. Vì cách xử lý của cơ quan Nhà nước đối với doanh nghiệp nước ngoài chưa nhất quán nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài không hiểu mình có phải là đối tượng điều chỉnh bởi luật Cạnh tranh.

Lâu nay, luật Cạnh tranh chỉ thừa nhận việc xác định thị phần theo doanh thu. Quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự thảo luật Cạnh tranh sửa đổi đã quy định nhiều cách khác nhau để xác định thụ phần, trong đó thừa nhận cả cách tính theo doanh thu, doanh số hoặc đơn vị hàng hoá…

Hiện doanh nghiệp muốn đưa giải quyết tranh chấp bằng con đường toà án, không chọn giải quyết theo luật Cạnh tranh. Lý do vì khi các bên liên quan không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền (điều 115 luật Cạnh tranh). Đây cũng là một hạn chế của luật Cạnh tranh.

Thiên Long