Cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh”: JVE đang thổi phồng dự án?

Nhật Hà

Mong muốn sử dụng giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch" của JVE đang vấp phải sự hoài nghi của nhiều nhà khoa học Việt Nam.

Không chỉ xử lý môi trường

Mới đây, công ty cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE – đơn vị tham gia dự án làm sạch sông Tô Lịch) vừa có đề xuất gửi Thành ủy Hà Nội, UBND TP.Hà Nội đề án “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Thông tin tới PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT JVE cho biết, đề án này đã được xây dựng hoàn thiện. Theo ông Tuấn Anh, lần này phạm vi dự án đề xuất không chỉ đơn thuần là xử lý môi trường mà còn "biến" dòng sông này thành một hệ thống cảnh quan "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" và cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch.

Cụ thể, giải pháp tổng thể sẽ giải quyết các vấn đề như: thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch...

Hình ảnh mô phỏng cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên - lịch sử - văn hóa – tâm linh .

“Nếu chỉ thu gom, xử lý nước thải ở bên ngoài và hai bên sông bởi dự án cống ngầm thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung thì vẫn chưa đủ, bởi lúc này, nguồn ô nhiễm bên trong lòng sông do tầng bùn đáy và bề mặt sông vẫn chưa được xử lý, kể cả phương án bổ cập nước. Vì vậy, ngoài việc thu gom nước thải, bổ cập nước, bên trong lòng sông Tô Lịch sẽ được áp dụng công nghệ sục khí Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ ô nhiễm”, ông Tuấn Anh lý giải.

Ông Nguyễn Tuấn Anh.

Được biết, sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay. Dòng sông vốn ô nhiễm sẽ được hồi sinh đúng nghĩa với dòng sông trong xanh có thảm thực vật hai bên bờ cùng các khu vui chơi, giải trí, bãi đỗ xe phong cách Nhật Bản và dịch vụ thuyền rồng trên mặt sông.

“Khi được “hồi sinh” đúng nghĩa, dòng sông Tô Lịch không chỉ là điểm đến du lịch của Hà Nội, mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh. Chúng tôi được phía Nhật Bản giới thiệu thêm đối tác là một trong những tổng thầu lớn ở Nhật Bản. Vì thế, hệ thống thống khổng lồ đặt dưới ngầm lòng sông sẽ có nhiều điểm tương tự với hệ thống chống ngập khổng lồ tại Thủ đô Tokyo", đại diện JVE nhận định.

So sánh sông Tô Lịch như tế bào ung thư là vô lý

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL về vấn đề này, TS vật lý Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hóa điện hóa cho rằng, đơn vị đấu thầu cần công bố kế hoạch chi tiết cụ thể rộng rãi cho người dân được biết, để người dân cũng như giới khoa học góp ý xem có khả thi không.

Còn PGS.TS Trần Hồng Côn - Giảng viên khoa Hóa học trường đại học Tự nhiên (đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết, dự án cải tạo sông Tô Lịch của TP.Hà Nội đã từng đưa ra việc xây dựng hai khu xử lý nước thải, sau đó thu gom toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch vào xử lý. Đồng thời tiến hành nạo vét lòng sông, bổ cập thêm nước cho sông Tô Lịch.

Đó là việc quy hoạch xây dựng 2 cái nhà máy xử lý nước sông Tô Lịch Yên Sở (đã đưa vào hoạt động) và Yên Xá (đang trong quá trình hoàn thiện). Nếu cả hai nhà máy này song song đi vào hoạt động thì đã xử lý được 90% vấn đề nước thải ở sông Tô Lịch. Sau đó sẽ tiến hành nạo vét sông, bổ cập nước từ sông Hồng, xây dựng đập tràn để giữ nước, như vậy vấn đề của sông Tô Lịch mấy chục năm qua sẽ không còn nữa.

PGS.TS Trần Hồng Côn.

“Nếu đơn vị thi công này vẫn cứ tiến hành thì cần kết hợp với các dự án của Thành phố mới thành công. Bởi dự án của Thành phố đang triển khai gần như hoàn chỉnh, trong đề án của JVE chỉ có điểm mới là có thêm việc xây dựng cảnh quan và hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực”, ông Côn nhận định.

Hơn nữa, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nếu chỉ giao cho JVE làm thì rất lãng phí, và tốn kém. Trước đây, TP.Hà Nội cũng từng đưa ra dự án thành nơi đi dạo cho người dân. Việc những hạng mục JVE đề xuất tốn kém tiền mà Hà Nội chưa nghĩ đến lấy kinh phí ở đâu để làm. Do đó, nếu JVE thực hiện nguồn vốn từ phía Nhật Bản thì cũng là điều nên cân nhắc. Giữa JVE và TP.Hà Nội cần phối hợp với nhau. Những gì thành phố đã làm và làm được thì tiếp tục, còn những gì chưa làm được cần xem xét để JVE thực hiện để vừa chống lãng phí lại có tính khả thi.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh, việc JVE so sánh sông Tô Lịch như một tế bào ung thư rất vô lý, như đang thổi phồng dự án của họ lên để người dân nhìn thấy cái đẹp trước mắt, nhưng suy nghĩ về dài thì cần phải xem xét lại.

Trước đó tháng 5/2019, JVE thực hiện dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Sau khi triển khai dự án, kết quả bước đầu được các chuyên gia đánh giá khả quan.

Tuy nhiên, vào ngày 9/7/2019, do việc mở cửa xả nước Hồ Tây của Hà Nội trong mùa mưa bão vào sông Tô Lịch khiến thí nghiệm kéo dài thêm 2 tháng.

Ngày 16/9/2019, lấy mẫu đánh giá nước sau 2 tháng JVE xin lùi đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm nước. Đây cũng là ngày hơn 300 con cá Koi, cá chép Việt Nam, cá rô phi và cá mè được thả trực tiếp xuống sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Tháng 11/2019, JVE tiến hành dỡ bỏ 2 điểm thử nghiệm.

N.H