Bác sĩ Nguyễn Trọng An: "Vẫn còn những kẽ hở “chết người” khiến nạn bạo hành trẻ em gia tăng"

HÀ LINH

Liên quan đến vấn nạn trẻ em bị cha mẹ ruột, người thân bạo hành, xâm hại gây bức xúc dư luận, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH.

PV: Chưa bao giờ vấn nạn trẻ em bị chính cha mẹ ruột, người thân trong gia đình bạo hành, lạm dụng, xâm hại,... lại nhức nhối như hiện nay. Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ việc “lộ sáng” với tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc, phẫn nộ. Nhìn trực diện vào câu chuyện đáng buồn này, ông cảm thấy thế nào?

Ông Nguyễn Trọng An: Đúng là rất nhức nhối và căm giận những kẻ nhẫn tâm hành hạ trẻ em! Thực tế, ở nước ta việc cha mẹ, người thân ruột thịt hành hạ và xâm hại con trẻ không phải chuyện hiếm. Trong vòng hơn chục năm trở lại đây, đã có rất nhiều vụ trẻ em bị cha mẹ ruột bạo hành được phơi bày, và còn biết bao nhiêu trường hợp chưa bị phát hiện. Các vụ “lộ sáng” thời gian qua chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi.

Điều này bộc lộ rõ sự yếu kém của khâu phòng ngừa, phát hiện sớm và thu thập thông tin báo cáo của hệ thống bảo vệ trẻ em Việt Nam trong cộng đồng. Luật Trẻ em 2016 đã có điều khoản quy định rõ “Phải kiện toàn Hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ-ưu tiên cấp độ phòng ngừa”. Tuy nhiên, sau bốn năm thực hiện, Luật vẫn chưa được kiện toàn. Trong cộng đồng hiện nay, mạng lưới này vừa thiếu về nhân lực, vừa yếu về chuyên môn. Kẽ hở này khiến tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em ngày một gia tăng. Hầu hết các vụ việc xảy ra do thiếu sự phòng ngừa và phát hiện muộn.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH.

PV: Đáng nhẽ ra, trẻ em luôn cảm thấy an toàn trong chính gia đình, người thân của mình, nhưng thực tế với không ít đứa trẻ, gia đình lại là “địa ngục trần gian”. Vì đâu nên nỗi như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng An: Trước hết là do vấn đề giáo dục gia đình đang bị xem nhẹ. Hầu hết các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ đều thiếu hụt hiểu biết về luật pháp, kỹ năng, kiến thức bảo vệ con trẻ. Ngay cả những kẻ đang hành hạ chính con cháu mình, có thể trước đó từng là nạn nhân của bạo lực - xâm hại.

Tiếp đến, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ việc ít quan tâm đến giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, cho tới tuyên truyền luật pháp và phòng chống bạo lực xâm hại rất hời hợt, mang tính hình thức.

Chưa kể, trong xã hội đầy rẫy những gương xấu, tiêu cực, vi phạm đạo đức của một số lượng không nhỏ các lãnh đạo, các thầy cô giáo, bậc làm cha làm mẹ đã gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức của giới trẻ và mất niềm tin của người dân.

Cuối cùng là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước: Quản lý còn lỏng lẻo, thực thi pháp luật chưa nghiêm, gây mất niềm tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật, nhiều vụ việc xử lý còn gây cười, trở thành sự châm biếm của dư luận.

PV: Đáng nói, vấn nạn này kéo dài suốt thời gian dài, không có dấu hiệu dừng lại, thậm chí mức độ ngày càng nghiêm trọng, chỉ đến khi sự việc vỡ lở cơ quan chức năng mới vào cuộc. Vậy, cần có biện pháp nào để chặn đứng vấn nạn nhức nhối này?

Ông Nguyễn Trọng An: Để giải quyết vấn nạn bạo lực trẻ em nói chung, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục kỹ năng và trách nhiệm về thực hiện quyền trẻ em của người lớn, bao gồm: Các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và các thầy cô giáo...

Phải sớm loại bỏ quan niệm “Yêu cho roi cho vọt”. Ở nhà trường, các thầy cô cần yêu thương lắng nghe trẻ, gần gũi quan tâm đến con cái và học sinh của mình hơn.

Phải đảm bảo sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Đồng thời, siết chặt quản lý các chất gây nghiện, văn hóa phẩm đồi trụy, các tác nhân bạo lực... Bởi, những sản phẩm này cũng góp phần gây ảnh hưởng nguy hại và trầm trọng hơn các vụ việc bạo lực xâm hại trẻ em.

PV: Vậy, theo ông cơ quan nào sẽ đứng ra “cầm cân nảy mực” để giám sát, bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị bạo hành từ chính người thân ruột thịt?

Ông Nguyễn Trọng An: Luật Trẻ em 2016 đã quy định rõ có 17 cơ quan, ban ngành chịu trách nhiệm bảo vệ chăm sóc trẻ em. Nhưng, thực tế tình trạng trẻ em bị bạo lực xâm hại vẫn không giảm. Hầu hết các trường hợp phát hiện muộn khi vụ việc đã xảy ra, can thiệp giải quyết thiếu nghiêm minh...

Theo đó, cơ quan chịu trách nhiệm chính vẫn là bộ LĐ,TB&XH, trên đó là UB Quốc gia BVTE, tiếp đến UBND các cấp của địa phương, các Hội đoàn... Tuy nhiên, để thực hiện phòng ngừa và ngăn chặn sớm các vấn nạn cho trẻ em vẫn rất cần thiết sớm kiện toàn mạng lưới cán bộ công tác xã hội và cộng tác viên làm việc với trẻ em tại cộng đồng.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

H.L