“Ánh sáng” đẩy lùi “bóng tối” tà đạo khỏi làng Đăk Wơ Yốp

HỒ NAM

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người đồng bào dân tộc thiểu số, những đối tượng hoạt động tà đạo len lỏi vào buôn làng tuyên truyền chống phá. Với quyết tâm khai sáng tư tưởng cho bà con, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Sau nhiều năm vận động, cuối cùng bà con đã “ưng cái bụng”, từ bỏ "bóng tối" về với cộng đồng.

Rực sáng nơi làng Đăk Wơ Yốp

Tháng Tám của Tây Nguyên là tháng của những cơn mưa tầm tã. Tại làng Đăk Wơ Yốp, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, một ngày mới bắt đầu chậm hơn so với thường lệ. Mưa rả rích, ngôi làng lúc ẩn, lúc hiện trong làn sương mù. Bên trong những ngôi nhà xây kiên cố, ánh lửa bập bùng. Trước hiên nhà, các bô lão quây quần bên ấm trà nóng, chia nhau từng hơi thuốc lá, trò chuyện rôm rả. Làng Đăk Wơ Yốp - ngôi làng kiểu mẫu của tỉnh Kon Tum sáng bừng bởi cờ hoa 2 bên đường.

Nhiều năm về trước, chẳng ai ngờ Đăk Wơ Yốp là vùng đất của tà đạo. Nơi mà người làng bị kẻ xấu dụ dỗ, mê muội tin và tôn sùng tà đạo Hà Mòn. Người dân tôn sùng tà đạo một cách mù quáng, chấp nhận sống cuộc đời chui rúc, bầy đàn như thời nguyên thủy và khước từ mọi chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước. Để người dân từ bỏ được tà đạo, về với cộng đồng đó là cả một hành trình gian nan vất vả. Suốt nhiều năm cả hệ thống chính trị các ngành các cấp của tỉnh Kon Tum vào cuộc tuyên truyền, vận động khơi sáng cho người dân.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: "Cái khó là, thời gian đầu, người dân nhận thức hạn chế, tin vào tào đạo là có thật. Theo đức tin của họ, tà đạo sẽ đáp ứng được nguyện vọng, mang lại cho họ cuộc sống cầu được ước thấy. Để vận động người dân làng Đăk Wơ Yốp từ bỏ tà đạo là một quá trình dài lâu với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành. Cán bộ được cử xuống tận làng ăn ở cùng người dân và thực hiện nhiều việc làm gắn liền với thực tế".

"Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân làm nhà rông, cồng chiêng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khám chữa bệnh cho những người đau ốm, tạo điều kiện cho con em họ đến trường. Bên cạnh đó, chính quyền hỗ trợ ghe, thuyền, lưới cho người dân đánh bắt cá, hỗ trợ vốn, giống, đất cho người dân canh tác ổn định kinh tế. Từ những việc thiết thực như thế, dần dần người dân cảm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, chính sách của Đảng, nhà Nước, họ thay đổi suy nghĩ từ bỏ tà đạo, tin nghe theo cán bộ. Giờ đây cuộc sống của người dân làng Đăk Wơ Yốp đã đổi thay, ấm no, hạnh phúc", ông Sâm nói.

Chúng tôi ghé thăm nhà già làng A Núi (57 tuổi), người được coi là pho sử sống của làng Đăk Wơ Yốp. Vị già làng dáng người nhỏ thó, dù ở cái tuổi gần lục tuần nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh, chất giọng hùng hồn. Đặc biệt, ở già toát lên sự thân thiện, hiếu khách. Bên ngoài, trời mỗi lúc mưa càng nặng hạt, bên bếp lửa hồng chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Khoe với chúng tôi, già A Núi hồ hởi: "Mình già rồi nhưng sức khỏe không kém các thanh niên trong làng đâu. Lên rừng bẫy con thú, xuống suối đánh cá hay đi làm cái rẫy mình vẫn làm được hết".

Đằng sau những nụ cười viên mãn, già ngậm ngùi kể cho chúng tôi nghe về quá khứ lầm lỗi phải chịu bao cay đắng, khổ cực. Ngược về ký ức, già A Núi nhớ lại, năm 1999, lợi dụng người làng nhẹ dạ cả tin, những kẻ xấu len lỏi vào tận làng rỉ tai từng người tuyên truyền tà đạo Hà Mòn. Những kẻ xấu dùng lời mật ngọt và vẽ ra một viễn cảnh tốt đẹp, cuộc sống sung sướng khiến người làng nhất nhất nghe theo, sùng bái tà đạo.

Từ bỏ tà đạo người làng hiện nay đã có cuộc sống ấm no, đầy đủ. Già làng A Núi đã tạo dựng được một vườn ca phê cho thu nhập cao cuộc sống ngày càng ổn định.

Hành trình khai sáng gian nan

Theo đó, năm 2005, dự án thuỷ điện Pleikrong bắt đầu được triển khai. Việc xây dựng thủy điện sẽ khiến đất đai, nhà cửa của người dân ở khu vực này bị ảnh hưởng. Làng Đăk Wơ Yốp phải di dời về khu tái định cư. Những kẻ xấu lợi dụng việc này lôi kéo, xuyên tạc, kích động người làng không được di dời, không hợp tác với chính quyền địa phương. Đặc biệt, không được tiếp xúc hay nhận bất cứ sự hỗ trợ nào của chính quyền địa phương.

Theo già A Núi, vì quá mê muội tin theo kẻ xấu, người làng không đồng ý chuyển về sinh sống tại khu tái định cư mà đưa nhau xuống khu vực lòng sông Pô Cô sinh sống. "Nghe theo tà đạo, cả làng xuống bờ sông lấy cây rừng dựng thành chòi để ở. Cả 42 hộ dân trong làng sống cách biệt không giao tiếp với bất kỳ người lạ nào. Thấy cán bộ đến là đàn ông chèo thuyền ra giữa sông, đàn bà với con nít ở trong chòi không tiếp chuyện. Khi nào cán bộ đi rồi đàn ông mới quay về. Trẻ con làng không đến trường, ai đau ốm không đến thăm khám tại trạm y tế. Cuộc sống của chúng tôi trước đó như bầy đàn, như thời nguyên thủy, rất khổ nhưng vì trót tin tà đạo nên không ai dám từ bỏ", già làng A Núi nhớ lại khoảng thời gian trốn chạy.

Dong sông Pô Cô nơi những năm trước đó người làng tin theo tà đạo kéo nhau đến bên bờ sông dựng lều tạm sống tách biệt với thế giới bên ngoài.

Theo già làng A Núi, để có cái ăn, mọi người đi bẻ măng, hái rau rừng, đánh cá. Những lúc mưa lớn, nước sông dâng lên dân làng bồng bế, dắt díu nhau chạy lên chỗ cao hơn để tránh nước lũ. Cuộc sống khổ cực nhưng cả làng chỉ tin theo tà đạo, không ai tin cán bộ. “Buổi tối, từ xa thấy ánh đèn xe máy là biết có cán bộ xuống thôn, tất cả đàn ông lại rủ nhau đi trốn. Cán bộ xã xuống phát gạo cho từng nhà trong làng nhưng có đói chúng tôi cũng không lấy. Cán bộ vào nhà bật điện sáng, khi cán bộ về là dân làng lại tắt đi", già làng A Núi nhớ lại.

Già A Núi (áo đỏ) cùng già Phung một cao niên trong làng kể cho chúng tôi nghe về quá khứ những ngày lầm lỗi.

Tiếp lời, già làng A Núi, ông A Phung, thầy thuốc của làng Đăk Wơ Yốp kể, sau nhiều năm sống trong sự trốn chạy, trong một lần người cháu ở nơi khác đến thăm, thấy gia đình ông quá khổ, sống lay lắt, con cái không được học hành nên hết lời khuyên nhủ. "Thấy người cháu mình nói cũng đúng, mình ưng cái bụng nên đồng ý gặp cán bộ của xã. Từ đó, mình không chạy trốn nữa, bắt đầu nhận gạo, thuốc được cấp. Mặt khác mình tìm đến già làng bàn chuyện. Nghe mình nói rõ lợi hại, già làng cũng xuôi lòng và muốn chấm dứt quãng đời cực khổ”, ông A Phung kể.

Có sự trợ giúp đắc lực của già làng và thầy thuốc, cán bộ xã đã có thể tiếp cận gần hơn với dân làng. Thay vì lẩn tránh, người dân dần quen với việc cán bộ xã ngủ lại nhà mình sau khi vận động. Nhiều cuộc họp dân bắt đầu được tổ chức. Cán bộ xã khẳng định, mỗi hộ khi chuyển về nơi ở mới sẽ được cấp vườn cà phê, xây nhà, được chính quyền hỗ trợ thủ tục làm hộ khẩu, khai sinh, chứng minh nhân dân, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách cho con cái đi học. Vì vậy, nhiều hộ dân đồng ý về khu tái định cư ngay sau đó.

Năm 2012, các đối tượng cầm đầu của tà đạo Hà Mòn lần lượt bị bắt. Các đoàn công tác liên tục đến tuyên truyền, vận động người dân. “Mưa dầm thấm lâu”, đến giữa năm 2014, cái bụng người dân làng đã hiểu được tấm lòng cán bộ. Họ nhận ra sự lầm đường lạc lối của mình khi đi theo tà đạo. Họ quyết định trở về xây dựng cuộc sống bình thường như trước. Làng Đăk Wơ Yốp được trả về với sự bình yên vốn có của mình, có cuộc sống khang trang, no đủ, hiện đại như ngày nay.

Ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết, để người dân từ bỏ tà đạo, trở về ổn định cuộc sống là cả quá trình làm việc kiên trì của các cấp ngành tại địa phương. “Với phương châm "3 bám, 4 cùng", cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học tiếng với bà con, bám địa bàn, bám đối tượng và bám vào người dân để tuyên truyền. Hiện nay, làng Đăk Wơ Yốp đã trở thành thôn điển hình về phát triển kinh tế của xã. Từ khi từ bỏ tà đạo, người già cho đến các thanh niên trong thôn đều lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo".

Hồ Nam